7 CÁCH RÈN GIŨA KỸ NĂNG PHÂN TÍCH NHẠY BÉN
2 Tháng tám, 2023 | FAM COMMODITY
458
Tại sao khả năng phân tích dữ liệu và giải quyết vấn đề luôn được đánh giá cao dù trong bất cứ hoàn cảnh? Nếu bạn đang muốn tìm hiểu cách để cải thiện kỹ năng phân tích của mình, bài viết sau của FAM COMMODITY có lẽ sẽ giúp bạn phần nào.
KỸ NĂNG PHÂN TÍCH LÀ GÌ?
Kỹ năng phân tích là khả năng thực hiện nghiên cứu, thu thập và “mổ xẻ” các thông tin để đi đến kết luận và ý tưởng tổng quan về một sự việc hoặc sự vật. Sử dụng kỹ năng phân tích là cách để giải quyết những vấn đề phức tạp và mở rộng kiến thức của bản thân.
Đây là một trong những kỹ năng cứng quan trọng nhất hiện nay. Có được khả năng phân tích, bạn thường sẽ sở hữu:
- Tư duy phản biện
- Tư duy trực quan
- Khả năng xử lý, thu thập thông tin nhạy bén
- Kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả
TẠI SAO CHÚNG TA NÊN RÈN LUYỆN KỸ NĂNG PHÂN TÍCH?
Kỹ năng phân tích rất quan trọng bởi nó cho phép bạn xử lý các vấn đề từ nhỏ nhất cho tới quan trọng nhất một cách thông thái. Trong công việc, khả năng phân tích giúp bạn trở nên thông minh, đáng tin cậy hơn vì bạn có thể tìm ra những vấn đề tiềm ẩn, giúp mọi dự án được diễn ra trơn tru, hiệu quả.
Đặc biệt nếu bạn hướng đến làm những công việc mang tính chất dữ liệu và phân tích như data analyst, kỹ thuật, công nghệ, việc sở hữu analytic skill sẽ làm điểm mạnh hỗ trợ bạn tìm được công việc đáng mơ ước. Các công việc thuộc ngành nghề khác như nhân viên SEO, giáo viên, kiến trúc sư, hay dịch vụ khách hàng đều yêu cầu ứng viên có kỹ năng phân tích tốt.
Do đó, với kỹ năng này, bạn sẽ có cơ hội phát triển sự nghiệp rất tốt cũng như có cái nhìn đa chiều để xử lý những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
CÁCH ĐỂ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG PHÂN TÍCH
Dù là kỹ năng phân tích dữ liệu hay phân tích những vấn đề trừu tượng, những cách sau đây đều có thể giúp bạn phát triển tư duy phân tích hiệu quả. Tham khảo ngay nhé.
Đọc nhiều hơn
Đọc sách có thể đã trở thành một việc tốn quá nhiều thời gian, đặc biệt khi chúng ta đang sống trong thời đại hối hả và nhiều người chỉ thích xem video ngắn.
Tuy nhiên, có những kho tàng nằm trong cuốn sách mà bạn chưa khám phá. Khi bạn đọc sách thường xuyên, bạn đang tự động để bộ não của mình hoạt động liên tục. Việc khám phá nhiều góc nhìn, nhiều câu chuyện sẽ giúp bạn mở ra những trải nghiệm mới, thu nạp những kiến thức mới cho mình.
Học toán
Đây có thể là một cách cực khô khan với những bạn ghét toán. Nhưng nếu bạn có hứng thú với môn toán, bạn có thể trau dồi thêm về môn học này.
Giải toán là quá trình đi từng bước tới kết quả. Bạn không chỉ có thể mài dũa khả năng phân tích các phép tính và công thức logic mà hoàn toàn có thể tư duy đột phá, tìm ra cách giải khác cho những bài toán đã theo khuôn mẫu.
Học toán sẽ có lúc sai, chắc chắn là như vậy. Nhưng qua những lỗi sai thì bạn mới nhận ra những điều cần phải khắc phục. Cũng giống như khi bạn gặp sai lầm trong cuộc sống và phải đến lần tiếp theo khi gặp trải nghiệm tương tự, bạn mới có thể rút kinh nghiệm và đi đến cái kết tốt hơn.
Chơi trò chơi “cân não”
Một số trò chơi đơn giản cũng có thể hỗ trợ bạn nghĩ sâu và logic hơn. Ví dụ như Sudoku, board game hay giải đố. Bạn vừa có thể thư giãn vừa tự động nâng cao kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề của mình.
Học những thứ mới mẻ
Những hoạt động trên đều nằm trong phạm trù học những điều mới. Tuy nhiên hơn cả như vậy, bạn có thể tìm hiểu thêm những điều khác biệt so với sở thích của bản thân.
Ví dụ, nếu bạn đã quen với content marketing, bạn có thể thử “đá sân” sang học một khoá học SQL hay UX/UI. Càng mở rộng tới những thứ nằm ngoài comfort zone, bạn sẽ càng có thêm dữ liệu để phân tích, đúc kết tốt hơn.
Học cách quan sát
Một yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển kỹ năng phân tích là gì? Đó là mắt quan sát và sự chú ý tới các chi tiết nhỏ.
Sử dụng các giác quan của mình và kết nối với những điều hiện hữu xung quanh sẽ giúp nâng cao óc phân tích của bạn. Chỉ cần chậm lại và chú ý tới nhiều thứ hơn, bạn sẽ nhận ra những quy luật, những sự thật rất hay ho trước đó bạn chưa từng biết đến.
Viết nhật ký
Không bắt buộc là phải viết nhật ký như những ngày còn nhỏ, bạn có thể đơn giản ghi lại những sự kiện đã xảy ra trong ngày và cảm nhận của mình về chúng. Có một danh sách ghi lại những trải nghiệm sẽ giúp bạn nhìn lại và rút ra bài học cho tương lai.
Đặt câu hỏi nhiều hơn
Mọi thứ đang diễn ra theo đúng quy luật của nó. Nhưng tại sao lại như vậy?
Nếu muốn kỹ năng phân tích tốt hơn, bạn hãy siêng đặt ra nhiều câu hỏi hơn và tìm ra lý giải cho những thắc mắc đó. Có sự tò mò nhất định sẽ cho phép bạn mở rộng thêm nhiều góc nhìn và đào sâu hơn về những thứ tưởng chừng quá quen thuộc.
Ngoài ra, bạn hãy học cách lắng nghe người khác. Những câu chuyện và chia sẻ của họ có thể đem đến cho bạn các khám phá mới lạ, góp phần làm khả năng phân tích tiến bộ hơn.
KẾT
Hi vọng qua bài viết này có thể mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về Kỹ năng phân tích và cách rèn giũa óc phân tích nhạy bén. Hãy bắt đầu áp dụng những bài học này ngay từ bây giờ để cải thiện bản thân mỗi ngày và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình nhé!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG