8 CÁCH CẢI THIỆN KỸ NĂNG PHẢN BIỆN MỖI NGÀY
7 Tháng Mười Hai, 2023 | FAM COMMODITY
211
Kỹ năng phản biện là một trong những kỹ năng mềm quan trọng giúp cho công việc trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phần lớn nhân sự hiện nay đều thiếu đi kỹ năng này và chưa tìm được phương án rèn luyện phù hợp. Trong bài viết sau, hãy cùng FAM COMMODITY tìm hiểu thêm về kỹ năng phản biện cũng như cách cải thiện kỹ năng này mỗi ngày nhé!
1 – ĐỊNH NGHĨA VỀ TƯ DUY PHẢN BIỆN VÀ KỸ NĂNG PHẢN BIỆN
Trước khi đi sâu vào kỹ năng phản biện, hãy cùng tìm hiểu về tư duy phản biện. Theo đó, tư duy phản biện (tiếng Anh là Critical thinking) là khả năng tìm hiểu, suy nghĩ để tìm ra mối liên hệ hợp lý/không hợp lý giữa các ý tưởng và tìm ra những lập luận để chứng minh những điều bạn tin là đúng/không đúng.
Kỹ năng phản biện là kỹ năng dùng luận cứ, dẫn chứng để phản biện lại những quan điểm, ý kiến của đối phương dựa trên những đánh giá, phân tích theo nhiều góc nhìn khác nhau. Kỹ năng này cũng là một trong những kỹ năng mềm quan trọng trong bộ kỹ năng cần có của dân văn phòng.
2 – SỰ CẦN THIẾT CỦA KỸ NĂNG PHẢN BIỆN
2.1. Giúp nắm rõ tổng thể vấn đề
Việc tư duy một cách rõ ràng, hệ thống sẽ giúp bạn nhanh chóng nắm được vấn đề thông qua dấu hiệu, biểu hiện của nó. Từ đó, bạn sẽ nhìn nhận, suy luận để đi đến những kết luận xa hơn, logic hơn.
2.2. Nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ
Phản biện là cả quá trình sử dụng ngôn ngữ để trình bày. Vậy nên nếu bạn muốn chứng minh được quan điểm của mình là đúng thì phải đưa ra những luận điểm, luận cứ chắc chắn, có logic và cơ sở. Rèn luyện được kỹ năng phản biện sẽ giúp bạn có thêm công cụ gia tăng năng lực sử dụng ngôn ngữ, đồng thời giúp phát triển trí tuệ hiệu quả.
2.3. Giúp cho công việc trở nên hiệu quả hơn
Kỹ năng phản biện sẽ giúp bạn hiểu rõ được yêu cầu từ cấp trên, thậm chí bạn hoàn toàn có thể phản biện lại những quan điểm mà bạn tin rằng không phù hợp. Điều này sẽ giúp cho lãnh đạo có sự đánh giá khác cao về bạn, cũng như sẽ tạo được sự tin tưởng trong mỗi ý kiến mà bạn đưa ra.
3 – NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI CÓ KỸ NĂNG PHẢN BIỆN TỐT
Theo tác giả K. B. Beyer (1995), một người có kỹ năng phản biện tốt sẽ có những đặc điểm điển hình sau:
- Ít khi có thành kiến: Bởi người có kỹ năng phản biện tốt là người có sự tìm hiểu thông tin, biết cách lắng nghe cũng như chấp nhận ý kiến trái ngược với mình. Họ cũng là người đề cao giá trị công bằng, tôn trọng bằng chứng và lý lẽ. Chính tính cách thích sự rõ ràng, chính xác nên họ cũng biết xem xét các quan điểm khác nhau và sẵn sàng thay đổi quan điểm khi sự suy luận cho thấy phải làm như vậy.
- Biết vận dụng các nguyên tắc, quy chuẩn, sự thật hiển nhiên: Trong mọi vấn đề, luôn sẽ có những nguyên tắc được phần lớn mọi người công nhận. Một người có kỹ năng phản biện sẽ biết cách chọn lựa nguyên tắc để đưa thành lập luận cho mình.
- Có khả năng tranh luận và đưa ra các lý lẽ với các bằng chứng để chứng minh cho luận điểm của mình.
- Có khả năng suy luận: Họ cũng là người có khả năng rút ra kết luận từ một hoặc nhiều chi tiết.
- Luôn xem xét vấn đề từ nhiều phương diện, góc nhìn khác nhau: Những người phản biện tốt đều có xu hướng tiếp cận hiện tượng, sự việc từ nhiều quan điểm khác nhau.
- Áp dụng các phương pháp như đặt câu hỏi, tư duy phán đoán cũng như thiết lập các giả định trước khi trình bày luận điểm.
4 – BÍ QUYẾT RÈN LUYỆN KỸ NĂNG PHẢN BIỆN MỖI NGÀY
Theo quy tắc 20 phút, nếu bạn thực hành thói quen nào đó trong 20 phút mỗi ngày liên tục trong 30 ngày thì kỹ năng đó sẽ ăn sâu vào não bộ và thực sự trở thành kỹ năng của bạn. Vậy nên nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng phản biện, hãy dành 20 phút mỗi ngày để luyện tập. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn rút ngắn thời gian thành công:
4.1. Tích cực trau dồi kiến thức
Để có thể phản biện tốt, bạn cần có một nền tảng kiến thức với mức tổng quát vừa đủ. Có như vậy mới có thể đưa ra các lập luận, luận điểm đủ sức thuyết phục. Bạn có thể tham khảo các khóa học về kỹ năng phản biện hoặc đọc thêm các tài liệu, sách báo. Một số đầu sách hay về tư duy phản biện bạn nên tham khảo:
- Tư duy phản biện: Công cụ để đảm đương công việc và cuộc sống (Tác giả Richard W. Paul và Linda Elder)
- Đặt câu hỏi đúng: Dẫn lối tư duy phản biện (Tác giả: M.neil Browne và Stuart M.Keeley)
4.2. Xác định mục tiêu mỗi khi phản biện
Trước khi phản biện lại, bạn cần biết được mình muốn đạt được mục đích gì. Sau đó mới đưa ra quyết định dựa trên một loạt các khả năng.
Ví dụ, khi đồng nghiệp bày tỏ về quan điểm liên quan đến giá trị cốt lõi của công ty, bạn thấy chưa hợp lý và muốn phản biện lại. Lúc này, bạn cần xác định mục tiêu của việc phản biện là giúp đồng nghiệp hiểu rõ, hay chứng minh đồng nghiệp đang hiểu sai… Từ đó đưa ra các lý luận và căn cứ phù hợp để thuyết phục đồng nghiệp.
4.3. Áp dụng phương pháp 5W1H để đặt câu hỏi đúng
Thường phần lớn trước mọi vấn đề, não bộ chúng ta đều tò mò và đưa ra hàng loạt các câu hỏi nhưng chỉ xoay quanh các câu hỏi “Tại sao? Tại sao?”. Điều này sẽ khiến cho thông tin nhận được bị giới hạn, dẫn đến việc phản biện không hiệu quả. Xây dựng hệ thống câu hỏi bắt đầu bằng: WHAT – WHEN – WHERE – WHY – WHO – HOW sẽ giúp bạn có được đầy đủ thông tin và tìm ra điểm có thể phản biện.
Trong đó:
- What: Vấn đề đó là gì?
- When: Thời gian diễn ra?
- Where: Sự việc diễn ra ở đâu?
- Why: Nguyên nhân dẫn đến?
- Who: Những ai gây ra? Những ai liên quan?
- How: Sự việc diễn ra như thế nào?
4.4. Quan sát và thu thập thêm thông tin liên quan
Bên cạnh việc xây dựng câu hỏi xoay quanh vấn đề thì thu thập thêm các thông tin liên quan cũng sẽ giúp cho những lập luận của bạn trở nên chắc chắn hơn. Lúc này, bạn có thể hóa thành thám tử, những nhà báo phóng viên đang tác nghiệp và vận dụng đủ 5 giác quan để tìm kiếm thông tin mình cần. Các việc bạn có thể áp dụng:
- Hỏi thăm những người xung quanh
- Quan sát những chi tiết nhỏ nhất
- Lắng nghe dư luận, những chia sẻ liên quan đến vấn đề
- Sử dụng tư duy logic để hệ thống thông tin bởi các thông tin mà bạn có được sẽ rất rời rạc. Bạn cần phân loại rồi tổng hợp thông tin thành mạch có liên kết rõ ràng.
4.5. Gạt bỏ những thành kiến chủ quan
Thành kiến chủ quan là một trong những rào cản khiến chúng ta không thể phản biện cũng như cải thiện kỹ năng này. Bạn sẽ vô tình gạt đi những thông tin, dữ kiện quan trọng để phản biện và đưa ra những lập luận chưa có căn cứ mà chỉ được đưa ra từ cá nhân bạn. Việc gạt bỏ những thành kiến chủ quan sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức mới, có thêm lập luận và thuyết phục được mọi người
4.6. Lật ngược các vấn đề, câu chuyện
Khi được nghe về một câu chuyện, bạn có thể lật ngược các vấn đề, câu chuyện để đào sâu tìm hiểu. Ví dụ, khi bạn được nghe kể về một hậu quả X do người Y gây ra. Đừng vội tin mà hãy thử đặt ra giả thuyết: liệu có phải do Y gây ra hậu quả X? Ngoài X còn ai có liên quan…? Đây là phương pháp giúp bạn đồng thời nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề vì lúc này bạn đã có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề.
4.7. Luôn nhắc nhở bản thân rằng sẽ luôn có cách cải thiện kỹ năng phản biện
Bạn nên nhớ phản biện là một loại kỹ năng chứ không phải khả năng nên chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện nó. Có như vậy, bạn mới có động lực để tìm hiểu về các phương pháp rèn luyện thay vì khẳng định “mình không có khả năng phản biện”.
4.8. Rèn luyện giữ cho não bộ khỏe mạnh
Bạn muốn phản biện tốt, bạn sẽ cần một tinh thần thoải mái cùng bộ não khỏe mạnh để xử lý thông tin một cách thông suốt. Nếu cơ thể bạn đang gặp vấn đề (mệt mỏi, ốm đau…) thì suy nghĩ sẽ bị tắc nghẽn, giảm đi tư duy phản biện. Vậy nên, bạn cần rèn luyện và ăn uống một cách khoa học. Bạn cũng có thể tham gia vào các hoạt động rèn luyện trí não như đọc sách, chơi cờ, rubik…
KẾT
Kỹ năng phản biện là một trong những kỹ năng mềm không phải dễ dàng luyện tập, cải thiện trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm và đủ cố gắng, kết hợp với việc sử dụng phương pháp khoa học thì FAM COMMODITY tin rằng bạn sẽ sớm hoàn thiện kỹ năng này. Chúc bạn sớm thành công!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
⇒ NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH, NHÂN SỰ