TOP 10 KỸ NĂNG NGHỀ NGHIỆP CẦN BIẾT ĐỂ KHÔNG BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
30 Tháng sáu, 2023 | FAM COMMODITY
209
Bất kể bạn là ai, bao nhiêu tuổi và làm trong lĩnh vực nào, việc xây dựng một nền tảng kỹ năng nghề nghiệp vững chắc là điều cần thiết không chỉ cho công việc mà còn cho cuộc sống. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) trong báo cáo Future Of Jobs, có 10 kỹ năng quan trọng hàng đầu cho nghề nghiệp tương lai. Vậy đó là những kỹ năng nghề nghiệp nào?
KỸ NĂNG NGHỀ NGHIỆP LÀ GÌ?
Có thể hiểu kỹ năng nghề nghiệp là những khả năng giúp bạn thành công trong công việc cũng như để nổi bật hơn trước nhà tuyển dụng, thường được chia làm 2 loại là:
- Kỹ năng mềm: là những kỹ năng giúp bạn tương tác, làm việc với mọi người. Phát triển kỹ năng mềm và áp dụng đúng cách sẽ giúp bạn thăng tiến nhanh hơn trong công việc.
- Kỹ năng chuyên môn: kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cụ thể mà bất kỳ ứng viên nào khi ứng tuyển cũng cần phải đáp ứng tiêu chí này. Chẳng hạn như ở vị trí CNTT, bạn có thể phải biết lập trình, cách sử dụng các phần mềm. Đối với designer, bạn cần thành thạo các phần mềm thiết kế như Pts, Ai…
TOP 10 KỸ NĂNG CẦN CÓ ĐỂ KHÔNG BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
1 – Tư duy phân tích (Analytical Thinking)
Trong thời đại công nghệ số, tư duy phân tích trở nên quan trọng và được yêu cầu ở nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, khoa học, công nghệ, y tế và giáo dục. Nếu có kỹ năng analytical thinking tốt, bạn sẽ:
- Phân tích, đánh giá dữ liệu để đưa ra quyết định chính xác.
- Tìm ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp bằng cách tập trung vào các chi tiết, khía cạnh quan trọng.
- Đưa ra dự đoán về tương lai dựa trên dữ liệu và thông tin hiện có.
- Tạo ra các kế hoạch, chiến lược cho công việc.
Với sự phát triển của công nghệ và khoa học, kỹ năng nghề nghiệp này sẽ trở nên càng quan trọng hơn. Vì vậy, nếu muốn thành công trong sự nghiệp, hãy đầu tư vào việc trau dồi kỹ năng tư duy phân tích.
2 – Tư duy sáng tạo (Creative Thinking)
Tư duy sáng tạo là khả năng phát triển các ý tưởng mới hay giải pháp cho các vấn đề nhằm tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Không những truyền thông, thiết kế, nghệ thuật mà gần như mọi lĩnh vực đều yêu cầu kỹ năng này.
Creative thinking không chỉ tạo ra mà còn thử nghiệm dựa trên việc xem xét các ý tưởng từ nhiều khía cạnh và sự phù hợp với phạm vi công việc đang thực hiện. Những người có tư duy sáng tạo thường không ngại rủi ro với những ý tưởng mới. Trên thực tế, khả năng phát triển, thử nghiệm và triển khai các giải pháp trở thành tài sản vô giá đối với tổ chức.
3 – Kiên cường, thích ứng và nhanh nhẹn (Resilience, flexibility and agility)
Kỹ năng nghề nghiệp này trở nên quan trọng hơn khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và kinh tế dần bước vào giai đoạn suy thoái. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội thay đổi nhanh chóng, sự kiên cường, thích ứng và nhanh nhẹn rất quan trọng đối với mỗi cá nhân.
Sự kiên cường sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn, thất bại, đồng thời còn học hỏi và phát triển từ những kinh nghiệm này. Để đáp ứng được những biến chuyển không ngừng của thời cuộc, đưa ra được quyết định đúng đắn trong thời gian ngắn và giảm thiểu rủi ro, người lao động rất cần đến khả năng thích ứng cùng sự nhanh nhạy.
4 – Tạo động lực và tự nhận thức bản thân thân (Motivation and self-awareness)
Nghiên cứu cho thấy rằng nếu chọn đúng mục tiêu phù hợp với bản thân, con người sẽ gắn bó và quyết tâm hơn, đồng thời có sự hài lòng trọn vẹn với những tiến bộ hàng ngày. Do vậy 2 yếu tố này nên đi song hành với nhau để mang đến hiệu quả tốt nhất cho cả bạn và doanh nghiệp. Bắt đầu từ việc hiểu bản thân có điểm mạnh điểm yếu như thế nào, mục tiêu, giá trị, sở thích là gì để tìm kiếm cơ hội và có kế hoạch, hành động phù hợp.
Đồng thời sự tự nhận thức bản thân sẽ giúp bạn không mất thời gian, công sức vào những công việc không phù hợp, tập trung vào những việc làm mà bạn yêu thích và có năng lực. Từ đó bạn dễ dàng tìm thấy động lực để hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Những điều bạn đối mặt hàng ngày không còn là thử thách, khó khăn mà tất cả sẽ hóa thành động lực giúp bạn vượt qua và kiên trì hơn với lựa chọn của mình.
5 – Ham học hỏi và học, học nữa, học mãi (Curiosity and lifelong learning)
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và khoa học, kỹ năng nghề nghiệp này là yếu tố quan trọng để bạn không bị lạc hậu và phát triển liên tục. Curiosity là sự tò mò, khát khao học hỏi, còn lifelong learning là khả năng và ý thức học tập suốt đời. Sự tò mò là cầu nối để bạn tìm hiểu, khám phá những kiến thức mới, từ đó nâng cao năng lực, trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Thêm vào đó, ý thức học, học nữa, học mãi giúp bạn không ngừng cập nhật những thay đổi, cải tiến trong công việc. Do đó, trong một môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh, việc học hỏi và nâng cao năng lực là yếu tố để bạn nhanh chóng thích nghi với sự đổi mới.
6 – Kỹ năng công nghệ (Technological literacy)
Kỹ năng nghề nghiệp này đề cập đến khả năng sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề và hoàn thành nhiệm vụ. Hiểu biết về công nghệ không chỉ đơn giản là biết cách sử dụng máy tính hay phần mềm cụ thể mà còn liên quan đến tư duy phản biện, phân tích và khả năng truyền đạt ý tưởng hiệu quả ở định dạng công nghệ kỹ thuật số. Sở hữu kỹ năng công nghệ sẽ mang đến những lợi ích như:
- Thúc đẩy sự sáng tạo: sử dụng thành thạo công nghệ có thể mở ra những khả năng mới cho việc sáng tạo và thể hiện bản thân.
- Cải thiện kỹ năng nghiên cứu: Internet đã cách mạng hóa cách con người tìm kiếm thông tin, do đó kỹ năng công nghệ là rất cần thiết để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này.
- Giải quyết vấn đề tốt hơn: bằng cách đưa ra vấn đề và thử giải quyết bằng một số hình thức công nghệ để đạt được mục tiêu sẽ giúp bạn cải thiện tư duy phản biện, tìm ra giải pháp nhanh hơn và tốt hơn.
7 – Đáng tin cậy và chú ý đến chi tiết (Dependability and attention to detail)
Với sự cạnh tranh trong các lĩnh vực khác nhau, bạn cần phải có sự đáng tin cậy và tập trung vào chi tiết để đạt được thành công. Đáng tin cậy được hình thành từ những hành động như hoàn thành công việc đúng hạn và đảm bảo chất lượng. Chú ý chi tiết cũng là một kỹ năng quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời thể hiện bạn là người có trách nhiệm, tổ chức và kỷ luật.
8 – Đồng cảm và chủ động lắng nghe (Empathy and active listening)
Kỹ năng nghề nghiệp này là một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp và khách hàng. Bằng việc lắng nghe sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn suy nghĩ, cảm xúc của người khác từ đó khơi gợi sự đồng cảm để đưa ra quyết định và hành động đúng đắn. Đặc biệt với cấp quản lý, đồng cảm và lắng nghe sẽ giúp bạn hiểu nhân viên hơn, tạo ra môi trường làm việc thoải mái, kết nối và tạo động lực cho cấp dưới của mình.
9 – Lãnh đạo và tầm ảnh hưởng xã hội (Leadership and social influence)
Kỹ năng lãnh đạo rất quan trọng khi bạn mong muốn thăng tiến trong sự nghiệp. Không chỉ dừng lại ở việc giỏi chuyên môn, quản lý tốt, để trở thành nhà lãnh đạo tài ba bạn cần có năng lực thúc đẩy sự hợp tác, tạo ra môi trường làm việc tích cực, đưa ra quyết định và phát triển nhân viên để đạt mục tiêu của doanh nghiệp.
Social influence là khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực của bản thân hoặc rộng hơn là xã hội. Điều này chứng tỏ bạn có sự tin cậy, ủng hộ từ người khác, từ đó mở rộng mối quan hệ và có nhiều cơ hội hơn.
10 – Quản lý chất lượng (Quality control)
Quản lý chất lượng là quá trình đảm bảo thiết lập và duy trì một hay nhiều tiêu chuẩn cụ thể khi sản xuất, phân phối nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với mục đích của doanh nghiệp. Kỹ năng nghề nghiệp này là sự hội tụ của nhiều kỹ năng khác như:
- Chú ý đến đến chi tiết.
- Quản lý thời gian.
- Giải quyết vấn đề.
- Giao tiếp.
- Làm việc nhóm.
- Kiến thức về tiêu chuẩn chất lượng.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN KỸ NĂNG PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP?
1 – Nghiên cứu và đào tạo
Học hỏi từ những chuyên gia là cách giúp bạn cải thiện các kỹ năng nghề nghiệp của mình. Có thể bắt đầu từ các khóa học trực tuyến, tham gia các hội thảo, sự kiện hoặc tự nghiên cứu qua sách.
2 – Hợp tác và quan sát
Cộng tác với người khác là một cách hữu hiệu để học hỏi và phát triển những kỹ năng mềm mới. Ví dụ như quan sát cách người quản lý mà bạn ngưỡng mộ làm việc như thế nào hay làm việc với các đồng nghiệp để cùng nhau nâng cao trình độ.
3 – Cởi mở hơn
Cởi mở với những ý kiến, phản hồi của người khác sẽ giúp bạn luôn sẵn sàng tiếp thu và thay đổi. Đồng thời cũng là cách để bạn nhận ra những khía cạnh nổi trội hay cần cải thiện của mình.
4 – Chăm sóc bản thân
Phát triển các kỹ năng mới thường trở nên dễ dàng hơn khi bạn đã đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của mình. Do đó bạn nên chăm sóc bản thân bằng chế độ ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc, dành thời gian cho những hoạt động yêu thích. Một tâm trí và cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn nhanh chóng tiếp thu, thích nghi với những thói quen, kỹ năng mới.
KẾT
Phát triển kỹ năng nghề nghiệp không chỉ phục vụ cho công việc mà còn ảnh hưởng đến cách bạn quản lý cuộc sống cá nhân. Đứng trước tương lai không hề biết trước, bạn có thể chọn cách chuẩn bị đầy đủ hành trang với danh sách 10 kỹ năng đã được đề cập ở trên để vững bước và tự tin hơn. Chúc các bạn luôn thành công và thăng tiến trong sự nghiệp.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG