CHUẨN BỊ THẾ NÀO CHO BUỔI PHỎNG VẤN?
7 Tháng ba, 2023 | FAM COMMODITY
226
Để chuẩn bị tốt một buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng, có vài vấn đề tưởng chừng như đơn giản, hiển nhiên nhưng đôi lúc do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, ứng viên vẫn chưa thể hiện được mình tốt nhất. Để tránh cho những căng thẳng có thể phá hỏng kết quả phỏng vấn của bạn, hãy cùng xem qua một vài mẹo nhỏ hữu ích dưới đây để tạo được ấn tượng tốt và gia tăng cơ hội nhận việc bạn nhé!
Tìm hiểu kỹ về công ty và công việc bạn ứng tuyển
Bạn nên tìm hiểu về công ty và vị trí ứng tuyển thật kỹ để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn và đánh giá xem liệu đó có phải là sự lựa chọn đúng đắn.
Hãy nghiên cứu kỹ mô tả công việc để xem liệu nó có thực sự phù hợp với bạn hay không. Trước hôm đi phỏng vấn, hãy xem lại một lần nữa để nắm rõ công việc bạn phải làm nếu trúng tuyển. Việc này giúp cho bạn dễ dàng đặt câu hỏi về vị trí cho nhà tuyển dụng.
Trong buổi phỏng vấn, bạn cũng sẽ được hỏi những câu như “Bạn đã tìm hiểu về công ty chưa?”, “Bạn biết gì về công ty?”, hay “Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này?”. Nếu đã tìm hiểu về công ty trước đó, những câu hỏi phỏng vấn này chắc chắn sẽ không làm khó bạn.
Chọn trang phục phỏng vấn chuyên nghiệp
Ấn tượng ngoại hình là ấn tượng đầu tiên mà bạn phải ghi nhớ. Đây sẽ là lời chào đầu tiên của bạn với nhà tuyển dụng. Hãy chọn cho mình một bộ trang phục lịch sự như vest, áo sơ mi, quần tây hoặc chân váy ôm… Đây là những trang phục thể hiện sự chuyên nghiệp, cũng như sự tôn trọng dành cho người phỏng vấn.
Ngoài quần áo thì kiểu tóc gọn gàng cũng là một điểm cộng. Dĩ nhiên, tùy vào đặc thù công việc và vị trí ứng tuyển; một số cấp trưởng nhóm sẽ không quá quan trọng hóa vấn đề này. Tuy nhiên, bạn không chỉ phỏng vấn với cấp quản lí trực tiếp mà còn với nhân sự của công ty. Họ sẽ có những tiêu chí riêng để đánh giá ứng viên phỏng vấn, vì vậy để an toàn, hãy chuẩn bị cho mình một diện mạo chỉnh chu và chuyên nghiệp nhất nhé!
Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết
Nhà tuyển dụng thường sẽ yêu cầu ứng viên chuẩn bị bản cứng của CV/Resume, hay các chứng chỉ liên quan. Đừng để đến ngày phỏng vấn mới bắt đầu in những tài liệu này. Hãy chuẩn bị xong xuôi tất cả trước đó để tránh những sai sót không đáng có. Bạn nghĩ mình có nhiều thời gian nhưng một sự cố bất ngờ có thể khiến bạn trễ giờ phỏng vấn.
Đến đúng giờ trong buổi phỏng vấn
Đây là một trong những lưu ý bạn không nên coi nhẹ. Đến sớm và đúng giờ sẽ khiến bạn trở nên chuyên nghiệp và có thiện chí trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu đến muộn, bạn không những làm mất thời gian của người khác mà còn khiến bản thân xuống tinh thần. Giả sử nếu tham gia một cuộc phỏng vấn nhóm, việc đến muộn sẽ còn làm ảnh hưởng đến những ứng viên khác.
Chú ý ngôn ngữ cơ thể trong lúc phỏng vấn
Có thể bạn không biết nhưng ngôn ngữ cơ thể khi phỏng vấn tiết lộ khá nhiều về bạn. Các nhà tuyển dụng dày dặn kinh nghiệm sẽ đọc vị được điều này qua những cử chỉ như: nắm vạt áo, đan hai tay vào nhau siết chặt hay ngồi rung đùi,…Hãy cẩn thận bạn nhé!
Bạn có thể luyện tập và kiểm soát những hành vi này bằng việc ngồi trước gương hoặc quay video quá trình tập trả lời câu hỏi. Như thế, bạn có thể thấy được mình đang có những hành vi hay biểu hiện bất ổn nào, từ đó chỉnh sửa ngay.
Tập trả lời các câu hỏi phỏng vấn
Không có phương thức luyện tập nào hiệu quả hơn việc tập các câu hỏi phỏng vấn thường gặp với một người khác. Họ sẽ vào vai người quản lí hoặc nhà tuyển dụng để lắng nghe và cho bạn nhận xét liệu câu trả lời có hợp lí.
Tốt nhất bạn nên nhờ sự hỗ trợ của người có kinh nghiệm và chuyên môn. Họ sẽ có những nhận xét sát với câu trả lời. Nhờ đó bạn sẽ biết được mình có thể cải thiện điểm nào và cho lời khuyên thay đổi câu trả lời phù hợp.
Thể hiện nhiệt huyết dành cho công việc
Sự hào hứng khi kể về công việc, những dự định của bản thân ở môi trường mới và tinh thần sẵn sàng học hỏi,…là điều mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng tìm kiếm ở ứng viên. Điều này không chỉ tốt cho tổ chức mà còn tốt cho chính bạn. Vì nếu bạn không có nguồn năng lượng này bạn sẽ không thể hoàn thành tốt được các công việc được giao.
Hãy nhớ rằng các nhà tuyển dụng rất tinh ý với biểu hiện của ứng viên. Nếu bạn không thích và cố giả vờ hay có biểu hiện thái quá, họ luôn biết cách khiến bạn “bại lộ”. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ công việc trước khi đưa ra quyết định ứng tuyển, và hãy tận dụng điểm khiến bạn đam mê và tập trung nói về nó trong buổi phỏng vấn.
Đừng quên lời cảm ơn sau khi phỏng vấn xong
Không chỉ có nhà tuyển dụng mà các ứng viên cũng cần gửi lời cảm ơn ngược lại. Bạn có thể viết email hoặc để lại lời nhắn trên giấy như cách thể hiện sự biết ơn và trân trọng cơ hội phỏng vấn trực tiếp lần này.
Ngay cả khi bạn không phù hợp với vị trí lần này, hãy tin rằng các nhà tuyển dụng cũng sẽ có ấn tượng tốt và sẵn sàng liên hệ tuyển dụng bạn cho các vị trí phù hợp khác trong tương lai.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
⇒ NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH, NHÂN SỰ