BẬT MÍ 7 CÁCH GIÚP BẠN NÂNG CAO KỸ NĂNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
13 Tháng chín, 2023 | FAM COMMODITY
296
Một trong những quyết định sáng suốt và đúng đắn nhất bạn có thể đưa ra cho chính mình chính là nỗ lực phát triển bản thân không ngừng nghỉ. Có rất nhiều điều mà mỗi chúng ta đều mong muốn – nâng cao chất lượng cuộc sống, thành công hơn, sống tốt hơn, phát huy được toàn bộ khả năng của bản thân. Đó là lí do tại sao chúng ta luôn phải đặt mục tiêu cá nhân trong cuộc sống. Thông qua bài viết dưới đây, hãy cùng FAM COMMODITY xem qua một số thông tin hữu ích để giúp bạn suy nghĩ về sự phát triển cá nhân, cũng như cách bạn có thể hành động để hiện thực hóa mục tiêu và tiềm năng trọn vẹn của chính mình nhé!
PHÁT TRIỂN BẢN THÂN LÀ GÌ?
Phát triển bản thân (Personal Development) là quá trình diễn ra suốt đời của con người. Trong đó, mỗi cá nhân luôn không ngừng đánh giá kỹ năng và phẩm chất của họ, xem xét ý nghĩa cuộc sống, đặt mục tiêu để phát triển tiềm năng bản thân một cách trọn vẹn. Những điều này có thể đạt được thông qua giáo dục, lời khuyên từ một chuyên gia/cố vấn hoặc do chính nỗ lực của chính mình.
VÌ SAO CON NGƯỜI CÓ NHU CẦU PHÁT TRIỂN BẢN THÂN?
Có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này – một trong số đó là lý thuyết thực hiện hóa bản thân (self-actualization) của Abraham Maslow. Maslow (1970) cho rằng tất cả các cá nhân đều có nhu cầu phát triển bản thân thông qua một quá trình có tên gọi là tự thực hiện hóa (self-actualization).
Khả năng phát triển của từng người phụ thuộc vào những nhu cầu nhất định được đáp ứng – những nhu cầu này tạo thành một hệ thống phân cấp. Chỉ khi một mức độ nhu cầu được thõa mãn thì mức độ cao hơn mới sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, khi có sự thay đổi xảy ra trong suốt cuộc đời, mức độ nhu cầu thúc đẩy hành vi của một người tại bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ thay đổi theo.
- Ở dưới cùng của hệ thống phân cấp là những nhu cầu sinh lý cơ bản về thức ăn, thức uống, tình dục và giấc ngủ – tức là những yếu tố cơ bản cần thiết để tồn tại.
- Thứ hai là các nhu cầu về an ninh và an toàn theo cả nghĩa vật chất và kinh tế.
- Thứ ba, sự tiến bộ có thể được thực hiện để thõa mãn nhu cầu yêu thương và thuộc về (belonging).
- Thứ tư đề cập đến việc đáp ứng nhu cầu về lòng tự trọng và giá trị bản thân. Đây là cấp độ liên quan mật thiết nhất với việc trao quyền và ý tưởng phát triển bản thân.
- Cuối cùng, ở đầu hệ thống phân cấp của Maslow là nhu cầu thực hiện hóa lý tưởng của bản thân
Maslow cho rằng tất cả các cá nhân đều có nhu cầu nhận thấy bản thân là người có năng lực và tự chủ, rằng mỗi người đều có tiềm năng phát triển vô hạn.
Tự hiện thực hóa (self-actualization) là mong muốn “trở thành mọi thứ mà họ có khả năng trở thành (be all you can be)”. Nói cách khác, thuật ngữ này đề cập đến mong muốn hoàn thiện bản thân và nhu cầu phát huy hết tiềm năng như một con người duy nhất.
Đối với Maslow, con đường để tự thực hiện hóa bao gồm việc hiểu biết và làm chủ được cảm xúc của bản thân, trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn và tập trung hoàn toàn.
6 LỢI ÍCH TUYỆT VỜI CỦA PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
Tại sao phải phát triển bản thân? Có rất nhiều lí do để giải thích cho điều này.
- Tự nhận thức: Nhận thức về bản thân (self-awareness) là xuất phát điểm của mọi thứ. Bạn cần biết con người thật của mình – những niềm tin, giá trị và mục đích mà bạn muốn theo đuổi. Để có thể sống hạnh phúc lâu dài, bạn cần “thiết kế” cuộc sống của mình dựa trên chính con người của bạn. Sau đó bạn mới theo đuổi mục tiêu mà bạn đặt ra.
- Ý thức về phương hướng: Một khi đã nâng cao nhận thức về bản thân, bạn sẽ rõ ràng hơn về những điều bạn mong muốn từ cuộc sống. Từ đó bạn có thể loại bỏ bất cứ điều gì không đưa bạn đi theo đúng hướng.
- Cải thiện sự tập trung: Cùng với quá trình phát triển bản thân, chúng ta cũng dần ý thức sâu sắc hơn về việc sắp xếp thứ tự ưu tiên. Bạn hiểu rõ mục tiêu của mình, cũng như nhanh chóng xác nhận nhiệm vụ nào sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho bạn với các nguồn lực sẵn có ở thời điểm hiện tại.
- Thêm động lực: Khi biết mình muốn đạt được điều gì, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy lợi ích của việc hành động ngay bây giờ. Kể cả khi không thích thú với nhiệm vụ trước mắt nhưng nếu bạn nhận thấy rõ lợi ích của nó, bạn sẽ có động lực hơn để hành động.
- Khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn: Trong cuộc sống, sẽ luôn có những thời điểm khó khăn. Khi đó, bạn cần phải có các kỹ năng đối phó hiệu quả. Bạn sẽ có thêm sự tự tin, khả năng phục hồi, các kỹ năng cá nhân và giao tiếp để thích ứng với mọi tình huống.
- Các mối quan hệ viên mãn hơn: Khi cải thiện chính mình, bạn đồng thời cũng sẽ nhận thấy rõ hơn mối quan hệ nào đáng để đầu tư, cũng như mối quan hệ nào cần phải “cắt bỏ”. Đây là cơ hội để bạn học cách tận dụng tối đa những mối quan hệ tác động tích cực nhất đối với cuộc sống của mình.
KỸ NĂNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN LÀ GÌ?
Kỹ năng phát triển bản thân (self-developement skills) là những phẩm chất và năng lực giúp bạn phát triển cả về gốc độ cá nhân và nghề nghiệp. Nói cách khác, đây là những kỹ năng giúp bạn nuôi dưỡng sự phát triển của chính mình. Hiểu và cải thiện những kỹ năng này sẽ hỗ trợ bạn phát huy tối đa tiềm năng trong bạn.
Sở hữu các kỹ năng phát triển bản thân tốt cho phép bạn lập ra kế hoạch chiến lược để đưa cuộc sống và nghề nghiệp hướng tới mục tiêu bạn mong muốn. Mỗi chúng ta đều cần trau dồi những kỹ năng này, biến chúng thành những thói quen hằng ngày một cách tự nhiên để:
- Đạt được mục tiêu cá nhân và sự nghiệp
- Thăng tiến trong công việc
- Cải thiện điểm mạnh và tài năng của bạn
- Làm cho bản thân trở nên tốt hơn
- Tìm kiếm sự thõa mãn và hài lòng trong cuộc sống
7 CÁCH GIÚP BẠN NÂNG CAO KỸ NĂNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
Dưới đây là một số kỹ năng phát triển bản thân quan trọng mà bạn nên học hỏi để trở thành người có năng lực và tự tin vào chính mình hơn.
1 – Đối diện với nỗi sợ và học cách vượt qua nó
Sợ hãi là rào cản lớn nhất ngăn cản sự tiến bộ của bạn, và nguyên tắc để phát triển bản thân trước tiên chính là “chiến thắng” cảm giác đó. Ví dụ, nếu bạn sợ nói trước đám đông, hãy tham gia một lớp học hoặc hội nhóm giúp bạn có cơ hội thực hành kỹ năng phát biểu trước công chúng nhiều hơn. Nếu bạn sợ rủi ro, hãy tìm một chuyên gia huấn luyện (coaching) có thể giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn và xây dựng sự tự tin cho bạn.
Hãy luôn không ngừng phát triển và học hỏi bằng cách thử nghiệm những điều có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Nếu như bạn là một người nhút nhát, hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, bắt đầu một cuộc trò chuyện với chuyên gia hoặc tự giới thiệu mình với những người bạn mới tại những cuộc gặp mặt sắp tới bạn nhé!
2 – Đọc, đọc nữa, đọc mãi
Lợi ích của đọc sách, báo, tài liệu…không chỉ dừng lại ở việc cập nhật thông tin, mở rộng kiến thức và vốn từ vựng mà đây còn là cơ hội quý giá giúp bạn kích thích trí não, cải thiện kỹ năng tư duy phản biện. Hãy thử đặt mục tiêu đọc ít nhất một bài báo giáo dục hoặc động lực mỗi ngày, hoặc một cuốn sách mỗi tháng và bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy mình tiến nhanh như thế nào trong hành trình phát triển bản thân sau đó.
3 – Học hỏi những điều mới
Nếu có thời gian rảnh, hãy đầu tư học một kỹ năng hoặc chủ đề mới – dù là tự học hay đăng ký khóa học chính quy. Học tập để hoàn thiện nhân cách và trở nên tốt hơn mỗi ngày. Ví dụ, bạn có thể tham gia các khóa học về một ngôn ngữ khác, một chương trình phần mềm mới hoặc học cách viết nội dung (content) sáng tạo.
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc đăng ký tham gia hội thảo trực tuyến và các chủ đề phát triển nghề nghiệp thực sự rất đáng để bạn cân nhắc. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng những phần mềm phát triển bản thân để đảm bảo quá trình học hỏi của bạn diễn ra liên tục hằng ngày.
4 – Yêu cầu phản hồi
Hãy tiếp cận một thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc người quản lý và xin họ cho phản hồi (feedback) về một dự án hoặc thành tích gần đây của bạn. Dù là nhận xét tích cực hay phê bình mang tính xây dựng, hãy chăm chú lắng nghe và tìm cách cải thiện điều đó. Đôi khi, bạn cần một ý kiến khách quan từ bên ngoài để có một cái nhìn khác về chính mình.
5 – Quan sát và học hỏi từ người khác
Khi có cơ hội, hãy quan sát và học hỏi từ những người truyền cảm hứng cho bạn. Đó có thể là một người mà bạn biết như quản lý trực tiếp, thành viên trong gia đình hoặc một nhân vật của công chúng. Xác định những phẩm chất mà bạn ngưỡng mộ ở họ và cố gắng thực hành những phẩm chất đó trong chính bạn.
6 – Mở rộng các mối quan hệ
Bằng cách tiếp xúc với nhiều kiểu người, bạn sẽ học được những ý tưởng mới cũng như hiểu cách giao tiếp và làm việc với nhiều kiểu tính cách khác nhau. Đây cũng là cơ hội cho bạn gặp gỡ và phát triển các mối quan hệ (network) hữu ích cho tương lai. Bạn có thể kết nối thông qua các tổ chức trong ngành và các nhóm chung sở thích, hoặc tham dự các hội nghị, sự kiện về những chủ đề mà mình quan tâm.
Mở rộng các mối quan hệ là yêu cầu khá khó khăn nếu bạn thuộc tuýp người hướng nội (introvert). Tuy nhiên, việc thực hành nó mỗi ngày sẽ một phần nào đó giúp bạn thay đổi dần dần, trở nên tự tin hơn và được mọi người yêu mến hơn.
7 – Viết nhật ký và thiền định
Viết nhật ký hàng ngày hoặc hàng tuần sẽ giúp bạn tự nhận thức và suy ngẫm về các sự kiện, quyết định và cuộc trò chuyện gần đây. Bạn có thể viết tay, viết nhật ký riêng tư hoặc chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm phát triển bản thân của bạn thông qua blog cá nhân. Dù là cách nào, hãy sử dụng nó để thiết lập và đánh giá các mục tiêu, tiến độ đạt được.
Bên cạnh đó, nhiều người lựa chọn thiền định để đạt được sự minh mẫn, tỉnh táo, giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Thiền giúp bạn tập trung vào sự phát triển của bản thân và các mục tiêu một cách lành mạnh, tích cực và điềm tĩnh. Ngay cả việc lên lịch nghỉ làm hoặc dành thời gian yên tĩnh cho bản thân cũng phần nào giúp bạn thư giãn và tập trung hơn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
⇒ NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH, NHÂN SỰ