LÀM SAO ĐỂ SỐNG SÓT QUA 5 THỬ THÁCH KHẮC NGHIỆT TRONG TUẦN LÀM VIỆC ĐẦU TIÊN
6 Tháng Tư, 2023 | FAM COMMODITY
147
Bạn cảm thấy hào hứng, phấn khích xen lẫn hồi hộp trong ngày và tuần làm việc đầu tiên. Khởi đầu một chương mới trong sự nghiệp của bạn sẽ rất thú vị, nhưng đồng thời cũng rất khó khăn và thử thách. Để có thể bắt nhịp tiến độ công việc ở vị trí mới, bạn cần chủ động và có sự chuẩn bị kỹ càng. Điều quan trọng là bạn phải “sống sót” qua tuần làm việc đầu tiên. Đây là khoảng thời gian vừa đủ để bạn xây dựng hình ảnh ban đầu của bản thân tuyệt vời, kết nối với đồng nghiệp mới, tìm hiểu về nơi làm việc mới và cảm nhận vị trí của bạn trong hệ sinh thái đó. Bạn có thể có những nhận định về môi trường và đồng nghiệp vào ngày đầu tiên đi làm. Nhưng đừng vội phát xét bất cứ điều gì trước khi dành đủ tuần này để “sống” cùng với nó. Dưới đây là cách để bạn vượt qua 5 thử thách “khắc nghiệt” trong tuần làm việc đầu tiên, cùng khám phá ngay nhé!
CÁCH ĐỂ BẠN VƯỢT QUA 5 THỬ THÁCH “KHẮC NGHIỆT” TRONG TUẦN LÀM VIỆC ĐẦU TIÊN
Hoàn thành công việc
Làm việc không mục tiêu, “giao gì làm nấy” có thể không phải là ý hay khi làm việc, đặc biệt trong tuần đầu tiên làm việc đầy mông lung. Vì vậy, bạn cần xác định rõ mục tiêu trong công việc của mình.
Tốt nhất là trong tuần đầu tiên, bạn cần có cuộc gặp 1-1 với sếp. Bạn sẽ biết về những gì sếp đang trông đợi ở bạn, vai trò và nhiệm vụ của bạn trong doanh nghiệp. Và bạn cũng có thể chia sẻ những mục tiêu và mong muốn của mình ở vị trí công việc này. Đồng thời, bạn cũng hiểu rõ về cách thức đánh giá hiệu quả công việc của mình.
Bạn sẽ nhanh chóng nắm bắt được vai trò của mình và có kế hoạch hành động thích hợp. Từ đó có thể chủ động làm việc để giải quyết các vấn đề của công ty và tạo ra giá trị cho công ty.
Gặp gỡ đồng nghiệp mới trong tuần làm việc đầu tiên
Gặp gỡ nhiều người mới có thể khiến bạn choáng ngợp, ngay cả đối với những người hướng ngoại. Có thể nhiều đồng nghiệp của bạn sẽ thân thiện và tự giới thiệu với bạn trong vài ngày đầu tiên. Nhưng nếu không, hãy niềm nở và tự tin chào hỏi mọi người và giới thiệu về bản thân bạn trước.
Việc ghi nhớ hàng loạt tên và khuôn mặt bạn mới sẽ là một thử thách. Thay vì cố gắng ghi nhớ tên thì hãy nghĩ đến đặc điểm hoặc ấn tượng để nhớ người đó. Bạn có thể thêm mọi người vào danh bạ ngay sau khi bạn gặp họ. Kèm theo những ghi chú về họ, chẳng hạn như “cao 1m50” hoặc “sành điệu như dân Sài Gòn chính hiệu”.
Tiếp theo, để bắt đầu hòa hợp và tham gia vào các cuộc trò chuyện, bạn có thể lắng nghe những gì mọi người nói với nhau và tìm ra điểm chung với bản thân. Điều quan trọng là bạn phải hiểu được phong cách giao tiếp và làm việc ưa thích của các đồng nghiệp trực tiếp, để có thể bắt đầu làm việc với nhau một cách hiệu quả.
Quá tải thông tin
Một trong những khía cạnh khó khăn nhất khi bắt đầu một công việc mới là phải nhanh chóng bắt kịp công việc. Những nhân viên mới thường thấy mình bị “tấn công” bởi hàng tấn thông tin gần như ngay lập tức vào những ngày đầu đi làm. Trái lại, một số những người khác lại đối mặt với vấn đề không có việc gì làm hoặc phải làm những việc không liên quan đến chuyên môn.
Mặc dù vậy, bạn nên tận dụng mọi cơ hội được làm để tìm hiểu về hoạt động bên trong của doanh nghiệp. Nếu bạn chưa được giao việc, hãy chủ động và lịch sự hỏi sếp của bạn xem bạn có thể làm việc gì. Hoặc nhờ đồng nghiệp có thể hướng dẫn cho bạn điều gì đó không. Ngoài ra, bạn nên tự cập nhật kiến thức và thông tin về hoạt động của công ty. Thông qua các bài báo liên quan, tài liệu đào tạo hoặc các báo cáo công việc nếu có.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nhân viên mới làm việc tốt hơn khi họ đặt ra nhiều câu hỏi hơn và họ tìm kiếm được nhiều hỗ trợ hơn. Đặt câu hỏi có nghĩa là bạn đang tích cực học hỏi, từ đó giúp bạn hiểu biết sâu sắc hơn. Hơn thế nữa, nó cũng giúp xây dựng mối quan hệ và tạo ấn tượng tốt với quản lý và đồng nghiệp của bạn.
Cân bằng làm và học trong tuần làm việc đầu tiên
Khi bạn hào hứng với công việc mới, điều tự nhiên là bạn muốn bắt đầu đóng góp ý kiến ngay lập tức. Tham gia ngay từ đầu cho thấy rằng bạn quan tâm đến việc cộng tác với đồng nghiệp và giúp đỡ công ty. Tuy nhiên, trước khi có những đóng góp và thay đổi về vấn đề gì, bạn cần nắm rõ những kiến thức cơ bản về các thủ tục, quy chuẩn, quy trình làm việc của công ty,…. Vì vậy, bạn cần dành tuần đầu tiên để quan sát và tiếp thu môi trường làm việc hiện tại.
Bên cạnh đó, hãy cố gắng cân bằng thời gian làm việc và thời gian bạn “tự học”. Nghĩa là thay vì bị “kéo ngồi vào” một cuộc họp một cách mơ hồ hay hoàn thành một công việc một cách “đối phó”. Bạn cần dành thời gian để tự nhìn nhận và chuẩn bị trước. Về những trông đợi hay khó khăn của bạn trong công việc, những lỗ hổng trong hiểu biết của bạn, và bạn cần phải hỏi hay tìm hiểu thêm những thông tin gì. Điều này giúp bạn thật sự “tham gia” vào công việc thay vì chỉ “nhận” công việc.
Phù hợp với văn hóa công ty
Có thể bạn đã có cảm nhận chung về văn hóa của công ty trong quá trình phỏng vấn. Nhưng nghe về và thực sự trở thành một phần của nó là hai điều khác nhau. Khi bạn đã là thành viên, bạn cần hiểu rõ về văn hóa công ty để thực sự trở thành một phần ở đây.
Hãy là một nhân viên mới tích cực gắn bó. Hành động lớn hơn lời nói và đồng nghiệp của bạn sẽ đánh giá cao sự nhiệt tình của bạn khi trở thành một phần của công ty.
Một điều quan trọng nữa là tuần đầu tiên của bạn có thể sẽ là một “chuyến tàu lượn siêu tốc”. Hãy chấp nhận rằng sẽ có những khoảnh khắc khó khăn và hãy tự nhủ rằng tất cả những gì bạn phải làm là vượt qua nó. FAM COMMODITY hy vọng bạn sẽ có một khởi đầu mới thật ngoạn mục và một chuyến hành trình thật tuyệt vời!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG