KHỦNG HOẢNG QUARTER LIFE CRISIS TUỔI 20, 30: LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA?
3 Tháng tư, 2023 | FAM COMMODITY
212
Tuổi 20, tuổi 22 hay tuổi 25 là những năm tháng tươi đẹp của tuổi trẻ nhưng lại tồn tại bất ổn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu hết. Có một thuật ngữ chỉ chung về khủng hoảng này đó là “Quarter Life Crisis”. Hãy cùng tìm hiểu về quarter life crisis là gì và làm thế nào để đối mặt với cơn khủng hoảng này nhé!
QUARTER LIFE CRISIS LÀ GÌ?
Theo tâm lí học, quarter life crisis được gọi là khủng hoảng ¼ cuộc đời, dùng để chỉ trạng thái mất phương hướng, lo âu, bế tắc và các khía cạnh trong cuộc sống như sự nghiệp, tài chính, mối quan hệ, giá trị bản thân,…Sở dĩ gọi là khủng hoảng ¼ cuộc đời vì hiện tượng này xảy ra phổ biến ở giai đoạn đầu hoặc giữa những năm 20 tuổi đến năm 30 tuổi. Đây là thời điểm các bạn bước vào đời và chập chững trải nghiệm, do đó rất dễ dẫn đến khủng hoảng.
Trong giai đoạn quarter life crisis, bạn có thể cảm thấy lạc lõng hoặc mắc kẹt do áp lực cuộc sống (cần tìm việc lương cao, lo lắng về tương lai, đứng giữa những sự lựa chọn quan trọng,….). Điều này thường đi kèm với cảm giác sợ hãi, lo âu và đủ loại cảm xúc tiêu cực khác. Đây cũng là thời điểm xảy ra tình trạng thất nghiệp, khó tìm việc ồ ạt đối với những người ở độ tuổi đầu 20. Hay các khoản nợ vay sinh viên, mạng xã hội hỗn loạn, nền kinh tế, khí hậu thay đổi nhanh chóng, vật giá leo thang và gần đây nhất là đại dịch Covid – 19 đã khiến tình trạng khủng hoảng trở nên trầm trọng.
AI ĐANG ĐỐI MẶT VỚI QUARTER LIFE CRISIS?
Thế hệ millennials (gen Y) và gen Z đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác nhau mà ông bà cha mẹ của chúng ta đều không phải đối mặt trong những năm tháng trưởng thành của họ. Cuộc sống càng hiện đại, giới trẻ càng phải đương đầu với nhiều thử thách mới, đến mức dẫn đến suy nhược tinh thần. Đây là thời điểm mà nhiều người trẻ tuổi dễ bị tổn thương nhất về mặt cảm xúc và tinh thần.
DẤU HIỆU BẠN ĐANG RƠI VÀO QUARTER LIFE CRISIS?
Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến cho thấy bạn đang rơi vào khủng hoảng tuổi đôi mươi.
Bốc đồng, hấp tấp
Hầu hết những người dưới 25 tuổi đều có nhiều hành vi bốc đồng vì vùng vỏ não, phần điều hành của não chưa phát triển toàn diện. Chẳng hạn như bạn quyết định bỏ việc ngay lập tức vì không giải quyết được vấn đề trong công việc hoặc bắt đầu sử dụng các chất kích thích. Các hành vi này thường là xuất phát từ việc bạn muốn cảm nhận điều gì đó khác với cảm giác bất lực và lo lắng, do đó bạn sẽ làm hầu hết mọi việc để trốn tránh trách nhiệm.
Quay lại với ví dụ bỏ việc ngang, nếu bạn quyết định dựa trên nỗi sợ, khi đó bạn không nhận thức được bản chất của vấn đề mà chỉ muốn giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và bạn chọn trốn chạy bằng cách nghỉ việc. Điều này khác hoàn toàn với quyết định nghỉ việc dựa trên nhận thức rằng “tôi biết mọi việc đang diễn ra như thế nào và tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn cho vấn đề này bằng cách nghỉ việc”.
Do đó, nếu thấy bản thân có những hành vi bốc đồng không cần thiết, hãy chậm lại vì đó có thể là dấu hiệu rằng bạn đang trốn tránh, không dám đối diện với vấn đề.
Tinh thần và lối sống không ổn định
Tính bốc đồng sẽ tạo nên những bất ổn về tinh thần và lối sống ở bất kỳ ai và bất kể tuổi tác. Tuy nhiên điều này sẽ nguy hại hơn với những bạn trẻ mới tốt nghiệp THPT, đại học hoặc đi làm 1, 2 năm vì chưa có đủ thời gian để phát triển nền tảng vững chắc về giá trị, nguyên tắc và lối sống của bản thân.
Nếu không có những hành động giúp kiểm soát cảm xúc, một số bệnh lí về tinh thần sẽ bộc phát vào giai đoạn khủng hoảng như trầm cảm nhẹ đến rối loạn lưỡng cực. Tình trạng này sẽ góp phần vào sự thiếu ổn định về lâu dài, giống như một chu kỳ tự củng cố.
Do dự và rất khó ra quyết định: dấu hiệu phổ biến khi rơi vào khủng hoảng quarter life crisis
Vì sợ đi sai hướng, những người đang trong giai đoạn quarter life crisis thường sẽ không chọn bất cứ điều gì. Trong cuốn sách The Defining Decade, tiến sĩ Meg Jay nói rằng độ tuổi 20 – 30 là thời gian phát triển nhất trong cuộc đời và giai đoạn này cần được lấp đầy bởi các hoạt động như rèn luyện sức khỏe, đọc sách, kết nối xã hội, tham gia câu lạc bộ…
Tuy nhiên, khi rơi vào khủng hoảng ¼ cuộc đời, với sự trốn tránh và bị điều khiển bởi nỗi sợ, nhiều người cuối cùng không làm gì cả. Thay vì bước ra ngoài và bắt lấy mọi thứ, họ chỉ bục mặt vào các trò chơi điện tử, xem các video vô bổ, lướt mạng xã hội không ngừng… Do dự cực độ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất phương hướng – một trong những dấu hiệu phổ biến của quarter life crisis.
Cô lập
Khi rơi vào trạng thái khủng hoảng ¼ cuộc đời, đa phần sẽ có cảm giác bị cô lập hoặc thực sự bị cô lập. Bạn sẽ cảm thấy như thể không ai có thể hiểu được mình hoặc cố tình gạt đi sự giúp đỡ, tình yêu thương từ những người khác. Những lời độc thoại, suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí ngày một tồi tệ hơn, bạn trở nên cáu kỉnh và bị bào mòn tinh thần, từ đó khiến bạn càng cảm thấy bị cô lập và cô đơn.
Nếu tất cả những điều này nghe có vẻ như đúng hoặc gần đúng với thực tế bạn đã và đang trải qua, có thể bạn đang rơi vào cuộc khủng hoảng ¼ cuộc đời. Tuy nhiên, khoan lo lắng và sợ hãi. Dưới đây là một số cách bạn có thể thực hiện ngay bây giờ.
QUARTER LIFE CRISIS: KHỦNG HOẢNG ¼ CUỘC ĐỜI THÀNH CƠ HỘI ĐỂ CHUYỂN MÌNH MẠNH MẼ HƠN
Quarter life crisis nghe qua thật đáng sợ, nhưng nếu chuyển đổi góc nhìn tích cực hơn, bạn sẽ thấy rằng đây là một cơ hội đáng giá. Mỗi cuộc khủng hoảng chính là tín hiệu đã đến lúc thay đổi, bước ra khỏi vùng an toàn để đến nơi phù hợp hơn. Do đó cách tốt nhất không phải là né tránh mà là đối mặt, dù rằng quá trình này có đau đớn đến nhường nào. Vậy phải đối mặt với quarter life crisis như thế nào?
Chấp nhận và không tách biệt bản thân khỏi những hỗn loạn của cuộc khủng hoảng
Một trong những đau khổ mà quarter life crisis gây ra đó chính là cảm giác bản thân là nạn nhân của cuộc đời. Khi so sánh với mọi người xung quanh, nhận thấy tất cả đều yên ổn, duy chỉ bạn bất ổn, cảm giác này lại đau khổ đến tột cùng. Tuy nhiên, có một sự thật mà bạn không biết rằng khủng hoảng tuổi đôi mươi không đáng sợ, thứ đáng sợ ở đây chính là lăng kính tiêu cực mà bạn đánh giá những gì đang xảy đến với mình.
Do đó, trước tiên hãy chấp nhận những cảm xúc mà bạn đang trải qua. Đừng áp đặt những tính từ tiêu cực lên chúng. Đơn giản chỉ là chấp nhận và biết rằng điều này là hết sức bình thường. Ai rồi cũng có những năm tháng bất ổn, chẳng qua là sớm hay muộn mà thôi. Bởi vì đây là độ tuổi để trưởng thành, mà để trưởng thành lại cần những vấp ngã. Bạn không hề cô đơn, có rất nhiều người đã trải qua điều này giống bạn.
Xác định được vấn đề ở hiện tại và làm những điều cần làm
Việc xác định vấn đề cần giải quyết ngay lúc này là điều tiếp theo bạn nên làm sau khi chấp nhận những cảm xúc bạn đang trải qua.
Khi làm được hai điều này, bạn sẽ hiểu rõ việc cần làm hay giải pháp cho vấn đề đang gặp phải. Kiên nhẫn là chìa khóa trong giai đoạn này, có thể bạn sẽ không nghĩ ra giải pháp ngay lập tức nhưng chắc chắn giải pháp sẽ đến theo cách mà bạn không bao giờ lường trước được.
Can đảm lựa chọn
Tâm lý sợ sai là rào cản lớn nhất khi đứng trước những lựa chọn. Có phải bạn sợ chọn sai đường, sợ phải thử lại, sợ mất thời gian,…Vô vàn nỗi sợ đang là xiềng xích đôi chân để ngăn bạn bước đi. Nhưng rõ ràng bạn phải bước đi mới có thể đến đích. Thực tế là không phải lúc nào bạn cũng thành công ngay từ lần đầu tiên thử. Mỗi lựa chọn đều là một sự trải nghiệm, không có đúng hay sai, chỉ có phù hợp hay không. Đừng quá khắt khe, hãy cho bản thân tự do và bám sát theo nhu cầu của bạn để đưa ra lựa chọn. Để rồi từ đó bạn sẽ đến gần hơn với phiên bản tốt nhất của chính mình.
Chịu trách nhiệm với những gì đã lựa chọn
Tinh thần tập trung, chịu trách nhiệm sẽ tạo nên sức mạnh nội tại thúc đẩy bạn tiếp tục tiến lên và vượt qua những khó khăn của hiện tại. Bởi khi đó bạn luôn luôn giữ mình ở trạng thái nhận thức được những gì đang diễn ra, tận hưởng mọi thứ kể cả tích cực lẫn tiêu cực. Từ đó bạn lại bước vào một hành trình nhận thức vấn đề, tìm giải pháp, chọn giải pháp và giải quyết chúng. Cứ như vậy, từng bước từng bước kiên trì trên con đường đến với cuộc sống mà bạn mong muốn.
Chọn ở bên cạnh những người mang đến năng lượng tích cực
Để vượt qua quarter life crisis cần đến sức mạnh cá nhân là chủ yếu. Tuy nhiên nếu được ở bên cạnh những người tin tưởng sẽ giúp bạn cảm thấy an toàn khi thể hiện suy nghĩ và cảm xúc. Khi đó, người khác cũng dễ chia sẻ và mang đến những năng lượng tích cực giúp bạn vượt qua khủng hoảng.
Quarter life crisis không phải là điều xấu, chỉ là đã đến lúc cần can đảm để thay đổi. Bất kỳ ai cũng có thể vượt qua giai đoạn này với cách tiếp cận phù hợp và tránh những tổn thương sâu sắc đến tinh thần, cảm xúc. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ tìm được hướng đi phù hợp, vượt qua khủng hoảng tuổi đôi mươi và trở thành những con người tuyệt vời nhất. Chúc các bạn luôn vững vàng và mạnh mẽ!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG