ĐỂ THÀNH CÔNG, BẠN PHẢI VƯỢT QUA NHỮNG GÌ?
26 Tháng Tư, 2023 | FAM COMMODITY
239
Theo Mark Manson, mất tập trung và thiếu trách nhiệm với cuộc đời là hai nguyên nhân lớn của thất bại. Ngoài ra, những nỗi sợ vô hình cũng “ngáng chân” bạn đến với thành công.
Tiếp nối bài viết “Công thức nào dẫn đến thất bại?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “10 Reasons Why You Fail”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Bạn quá mất tập trung
Lên check Facebook, rồi Twitter, rồi Reddit, ngồi xem meme, check email, quay về Facebook , thấy có cái meme hay, đăng lên Facebook, quay lại check email, mở hộp thoại chat,…rồi lặp lại thứ tự trên.
Tôi khá chắc đoạn văn trên miêu tả không ít người trong chúng ta mỗi ngày, trừ lúc ngủ. Rối loạn và bão hòa sự chú ý đã trở thành một vấn nạn, và nó không chỉ giới hạn trong các tương tác vô ích trên mạng xã hội.
Tôi từng ngừng đọc các tin tức thể thao và chính trị trong một tháng. Và tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng, nhiều thông tin mà tôi từng coi là quan trọng và cần thiết giờ trở nên vô nghĩa. Chúng hầu hết chỉ là thông tin giật gân, được thiết kế nhằm thúc đẩy bạn ấn vào đọc thêm càng nhiều càng tốt, chứ không hề mang lại điều gì giá trị cho cuộc đời bạn.
Cố gắng tự kỷ luật cuộc đời mình một chút, bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn.
Bạn không chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra trong đời
Hay còn gọi là hội chứng “đỗ lỗi cho tất cả mọi thứ”. Trong cuộc sống có những chuyện mà bạn thấy dường như không công bằng hoặc không thể vượt qua. Chẳng hạn như việc gì đó bạn làm bất ngờ dính “phốt”, và bạn không thể làm gì để giải quyết.
Tôi hiểu việc đổ lỗi cho một yếu tố ngoại vi nào đó rất hấp dẫn. Nó giúp bạn khẳng định chắc nịch rằng, việc này xảy ra không phải lỗi của bạn, và bạn không thể làm gì để cải thiện tình hình.
Nhưng để khắc phục các vấn đề trong cuộc sống, bạn phải có khả năng kiểm soát. Và để giành được khả năng kiểm soát, bạn phải chịu trách nhiệm cho chúng trước đã. Vì vậy nếu không chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra trong đời, bạn đã thất bại ngay từ đầu.
Bạn không tin mình có thể làm được
Đây không phải một dạng thần chú tự khẳng định bạn hay thấy trong một số sách self-help. Không có năng lượng siêu nhiên nào ở đây cả.
Tâm trí ta có một niềm tin vô thức về khả năng của bản thân. Và khi nó “thông báo” cho cơ thể về mức độ nỗ lực và kỳ vọng thành công, hành vi của bạn sẽ thay đổi. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những vận động viên tin tưởng vào khả năng của chính mình có thành tích thi đấu tốt hơn các đồng đội có niềm tin tiêu cực về khả năng của họ.
Bên cạnh đó, những người đánh giá cao khả năng của mình có xu hướng dám thử và dám sai. Rõ ràng khi cố gắng học hỏi từ thất bại của mình, bạn sẽ có khả năng thành công cao hơn hẳn. Thế nên, đôi khi “ảo tưởng sức mạnh” một chút lại tốt cho bạn (miễn đừng ảo tưởng quá đà).
Bạn sợ phải cam kết
Không ít người “thờ ơ” với mọi thứ. Họ không có niềm đam mê rõ ràng nào cả.
Họ ngần ngại đầu tư bản thân vào một môn học, dự án hay sở thích dài hạn, hoặc nếu có thì cũng sớm bỏ cuộc. Số khác thì mất hứng thú giữa chừng, hoặc không đủ “tiềm lực” để bắt đầu.
Sự thờ ơ kinh niên thật ra là cơ chế phòng thủ ngầm của con người. Nó làm suy yếu động lực mà bạn cần có, để bắt đầu một mối quan hệ cam kết lâu dài với những điều trên.
Một cách vô thức, nhiều người không dám đầu tư hay cam kết vào một thứ gì đó, vì họ sợ kết quả thất bại. Vì thất bại có thể dẫn đến loạt suy nghĩ mà tinh thần bạn chưa sẵn sàng để đối mặt như: những câu hỏi tự vấn đề giá trị bản thân, năng lực thực sự hay liệu bạn có xứng đáng với tình yêu đang nhận được.
Dĩ nhiên tôi không phải chuyên gia như Sigmund Freud. Nhưng theo kinh nghiệm tôi quan sát, những người bị sự thờ ơ đánh bại thường không vượt qua được nó, cho đến khi họ đối mặt và loại bỏ tận gốc các vấn đề cảm xúc trong cuộc sống.
Bạn cho rằng bản thân không xứng với những gì mình muốn
Phần lớn trong 9 lí do tôi liệt kê ở trên là biểu hiện bên ngoài của một ẩn ức hằn sâu trong tâm lý: bạn cho rằng bản thân không xứng đáng với những gì mình muốn.
Nhiều người trong chúng ta vùi sâu trong tâm trí những niềm tin không mấy mặn mà về bản thân. Có thể do bạn thường xuyên bị trêu chọc từ nhỏ, bị cả thầy cô và cha mẹ chê bai sau này không làm nên trò trống gì, hoặc bị bạn bè bắt nạn vì thông minh nổi trội.
Dù chuyện gì xảy ra, thì nó cũng đã xảy ra và hủy hoại một phần nào đó của bạn. Hệ quả là từ sâu thẳm bên trong, bạn thấy không thoải mái với việc đạt được quá nhiều điều vĩ đại. Đây là một câu hỏi hóc búa về lòng tự trọng: bạn luôn tìm cách chối bỏ những gì bạn cảm thấy không xứng đáng thuộc về mình.
Sức nặng của 2 chữ “thành công” khiến một số người cảm thấy như một vị vua, số khác lại nghĩ mình chẳng khác gì kẻ giả mạo. Việc đạt được điều họ muốn đã triệu hồi niềm tin hạn chế vốn nằm sâu trong tâm trí họ, rồi thúc đẩy sự bất an và sợ hãi đến khi họ tìm ra cách phá hủy mọi nỗ lực của mình.
Đó có thể là mối quan hệ với người tuyệt vời nhất bạn từng yêu, một công việc bạn có nằm mơ cũng không nghĩ mình trúng tuyển, một cơ hội sáng tạo hiếm có mà bạn bỏ qua để theo đuổi các mục tiêu “thực tế” hơn, hay chỉ đơn thuần là đi chơi với những người bạn ngưỡng mộ mà vẫn cảm thấy mình “vô hình”.
Dù thành tựu đó là gì, thì con sóng của sự nghi ngờ bản thân sẽ tìm tới và nhấn chìm bạn, để bạn tự hủy hoại nỗ lực của chính mình. Đây là một sự thật đau lòng, bởi chỉ có bạn là người duy nhất đang làm việc này, chứ không có tác nhân nào bên ngoài.
Bạn càng cố phủ nhận nỗi sợ đó bao nhiêu, nó càng sống dai và đeo bám bạn bấy nhiêu. Nó giống như một tấm màn trong suốt ngăn cách bạn với hạnh phúc. Bạn có thể chọc thủng được nó, nhưng sẽ phải trải qua nhiều khó khăn và đau đớn.
Kể cả khi chọc thủng tấm màn ấy, bạn sẽ thấy phía sau còn nhiều tấm màn khác. Mỗi tấm tượng trưng cho một nỗi sợ vô hình hoặc niềm tin hạn chế ẩn sâu trong bạn. Điều này cũng có nghĩa bạn phải liên tục đối mặt và vượt qua chúng – đó là một quá trình kéo dài suốt cuộc đời.
Nguồn: vietcetera.com
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
⇒ NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH, NHÂN SỰ