BẬT MÍ CÁCH ỨNG DỤNG CỬA SỔ JOHARI ĐỂ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG GIAO TIẾP
20 Tháng Bảy, 2023 | FAM COMMODITY
246
Bạn đã bao giờ thuyết trình trước đám đông chưa? Bạn có cảm thấy lo lắng, hồi hộp, căng thẳng không? Các bài thuyết trình của bạn diễn ra suôn sẻ chứ hay mọi người chỉ chán nản nhìn bạn, im lặng và ngáp dài? Bạn biết không, mô hình cửa sổ Johari này có thể giúp bạn cải thiện khả năng giao tiếp của mình, bởi vì mọi vấn đề của bạn sẽ được gói gọn thành một lý thuyết đơn giản dưới đây. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
CỬA SỔ JOHARI LÀ GÌ?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu cửa sổ Johari có mấy ô và ứng dụng như thế nào để cải thiện khả năng giao tiếp của bạn. Từ đó, bạn có thể xây dựng các mối quan hệ bền vững và sâu sắc hơn.
Mô hình cửa sổ Johari là một mô hình tâm lý học giúp chúng ta hiểu rõ về cách tạo ra những mối quan hệ sâu sắc hơn thông qua giao tiếp. Cửa sổ Johari được thiết lập 4 góc, giúp nâng cao khả năng tự nhận thức, hiểu biết lẫn nhau giữa các cá nhân trong một nhóm. Ngoài ra, cửa sổ Johari còn được sử dụng để giúp bạn phát triển các kỹ năng quan trọng, trong đó có kỹ năng giao tiếp.
Mô hình cửa sổ Johari xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1995. Tác giả của mô hình này là hai nhà tâm lý học người Mỹ Joseph Luft và Harry Ingham. Họ xây dựng cửa sổ Johari với 2 tiền đề cốt lõi:
- Bạn có thể xây dựng niềm tin với người khác bằng cách tiết lộ thông tin về bản thân mình.
- Bạn có thể tự học hỏi và hiểu rõ các vấn đề từ những phản hồi của các cá nhân khác trong nhóm.
Mô hình Johari hiện nay được ứng dụng phổ biến trong thực tế với các công dụng chủ yếu như: phát triển cá nhân, cải thiện kỹ năng giao tiếp, phát triển nhóm,…
MÔ HÌNH CỬA SỔ JOHARI CÓ MẤY Ô?
Cửa sổ Johari có 4 ô, bao gồm: vùng mở, vùng ẩn, điểm mù và vùng chưa biết. Bốn ô cửa sổ của Johari đều phản ánh một vùng thông tin cụ thể.
Vùng Mở – Open Area
Vùng mở là khu vực thông tin mà cả bạn biết và người khác cũng biết. Đồng thời, các bạn thống nhất quan điểm với nhau về cả thái độ, hành vi, cảm xúc, kỹ năng… Ví dụ nếu một nhóm cùng thích nấu ăn thì sẽ dễ dàng trao đổi, giao tiếp với nhau hơn thông qua chủ đề “nấu ăn”.
Vùng mở có thông tin càng rộng thì khả năng giao tiếp càng hiệu quả. Đó là lý do tại sao, trong một nhóm đồng sở thích, các bạn dễ dàng xây dựng những mối quan hệ sâu sắc, gắn bó hơn.
Vùng Ẩn – Hidden Area
Vùng ẩn là khu vực thông tin mà bạn biết nhưng người khác chưa biết. Tùy thuộc vào tình huống giao tiếp, bạn có thể chia sẻ một số thông tin ở vùng ẩn để xây dựng lòng tin với người đối diện. Sau đó, các bạn chuyển sang giao tiếp ở vùng mở.
Ví dụ như khi nói chuyện với một nhóm yêu thích nấu ăn, bạn có thể chia sẻ bí quyết nước chấm gia truyền của mình. Đây là thông tin mà bạn biết nhưng mọi người trong nhóm chưa biết. Bằng cách chia sẻ từ vùng ẩn như vậy, bạn sẽ phá bỏ khoảng cách tiếp cận gần hơn với mọi người.
Điểm Mù – Blind Spot
Điểm mù là vùng thông tin bạn chưa biết, nhưng những người khác đều biết. Điểm mù chính là rào cản khiến bạn khó giao tiếp với người khác, cảm giác như người ngoài cuộc. Khi rơi vào điểm mù, bạn thường có những hành vi vô thức như gãi đầu, gãi tai, tránh giao tiếp bằng mắt với người đối diện, cảm thấy lo lắng, hồi hộp,…
Ví dụ như bạn yêu thích nấu ăn, nhưng lại không am hiểu cách làm bánh ngọt. Khi mọi người nói về các loại bột, công thức kem mặn,… bạn sẽ cảm thấy như mình đang ở sai chỗ và không thể tiếp lời. Giải pháp để bạn xử lý điểm mù là không ngừng tìm hiểu, học tập, tự trải nghiệm để dần làm thu hẹp điểm mù lại.
Vùng Chưa Biết – The Unknown Area (Ô Đóng)
Vùng chưa biết là vùng thông tin mà cả bạn và những người khác trong nhóm đều không biết. Với vùng chưa biết, bạn có thể cùng mọi người khám phá, tìm hiểu. Quá trình cùng nhau khám phá này cũng sẽ giúp cuộc trò chuyện của bạn trở nên gần gũi, cởi mở và sâu sắc hơn.
Ví dụ như bạn và người đối diện cùng yêu thích nấu ăn, vừa tình cờ ăn một món rất ngon nhưng không biết cách thực hiện. Hai bạn có thể cùng nhau phán đoán thành phần nước sốt, gia vị,… cùng cách nấu. Sau cuộc trò chuyện đó, mối quan hệ của cả hai sẽ trở nên sâu sắc hơn.
ỨNG DỤNG CỬA SỔ JOHARI TRONG GIAO TIẾP NHƯ THẾ NÀO?
Mô hình cửa sổ Johari có thể được ứng dụng trong giao tiếp để đạt được các mục đích sau:
- Phát triển cá nhân: Cửa sổ Johari cung cấp phương pháp khoa học, giúp bạn hiểu cách người khác nhìn nhận về bạn. Nhờ đó, bạn có thể dần hoàn thiện bản thân cả về hình ảnh bên ngoài lẫn những giá trị nền tảng bên trong theo cách mà bạn mong muốn.
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp: Hiểu về mình và hiểu cách người khác nhìn nhận về mình là chìa khoá để bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp. Ứng dụng cửa sổ Johari có thể giúp bạn dễ dàng giao tiếp với những thành viên trong nhóm, ngay cả khi bạn là người mới.
- Phát triển nhóm: Mô hình Johari trong giao tiếp có thể giúp tăng cường kết nối giữa các thành viên trong nhóm. Điều này được thực hiện dựa trên cơ sở nuôi dưỡng, hình thành sự đồng cảm, thấu cảm giữa các thành viên. Đồng thời, cửa sổ Johari tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên có thể chia sẻ, trao đổi, tiến hành các cuộc trò chuyện thoải mái hơn.
Để áp dụng 4 ô cửa sổ Johari trong giao tiếp, bạn có thể làm theo cách như sau:
- Bắt đầu từ vùng mở: Bạn hãy xuất phát từ những gì mình biết và người khác cũng biết để bắt đầu câu chuyện.
- Vùng mở chuyển sang vùng ẩn: Từ vùng mở, bạn có thể chia sẻ, bộc bạch một số thông tin mà chỉ bạn mới biết còn người khác thì chưa biết. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng lòng tin với người đối diện.
- Phá vỡ điểm mù: Trong một cuộc trò chuyện thông thường, sẽ có lúc mọi người đề cập đến những điều mà cả nhóm đều biết, còn bạn thì chưa biết. Lúc này, bạn có thể chủ động hỏi và nhận phản hồi để hạn chế bớt điểm mù trong giao tiếp.
- Cùng khám phá vùng chưa biết: Với những thông tin mà cả bạn và người đối diện đều chưa biết, cả hai hãy cùng nhau khám phá, học tập và chia sẻ với nhau.
MỘT SỐ LƯU Ý KHI ỨNG DỤNG MÔ HÌNH CỬA SỔ JOHARI
Cửa sổ Johari có thể ứng dụng dễ dàng trong nhiều tình huống khác nhau nhưng việc vận dụng đúng không hề đơn giản. Khi sử dụng cửa sổ Johari, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đầu tiên, bạn cần tạo ra niềm tin và sự cởi mở trong giao tiếp. Bạn hãy chia sẻ ở mức độ phù hợp đối với những thông tin ở vùng ẩn. Điều này sẽ giúp người đối diện cảm thấy tin cậy và mở lòng với bạn hơn.
Lưu ý rằng bạn chỉ nên chia sẻ thông tin vùng ẩn một cách có chừng mực, vì mọi người không cần biết tất cả về bạn. Nên cân nhắc nguy cơ tiết lộ thông tin nhạy cảm và tôn trọng quyền riêng tư của bản thân cũng như của người khác.
Điều quan trọng là hãy học cách lắng nghe. Bạn nên chia sẻ thông tin một cách ngắn gọn, thân thiện và học cách dừng lại đúng lúc để lắng nghe ý kiến từ những người khác.
Trong một cuộc trò chuyện, các ô cửa Johari sẽ mở ra, co lại tùy theo lượng thông tin chia sẻ. Bạn hãy linh hoạt ứng dụng cửa sổ Johari trong giao tiếp giữa các ô thông tin, để các bên cùng đạt được mục tiêu.
Để phá vỡ những vùng thông tin chưa biết, bạn có thể chủ động đề nghị mọi người trong nhóm học tập, khám phá cùng bạn. Sử dụng cách này, bạn sẽ tạo dựng được những mối quan hệ sâu sắc, gần gũi và dần có nhiều điểm chung hơn ở vùng mở.
Như vậy, bạn đã biết mô hình cửa sổ Johari trong giao tiếp là gì và cách vận dụng nó vào thực tế như thế nào. Cửa sổ Johari có thể ứng dụng hiệu quả trong nhiều tình huống và giúp bạn phát triển cá nhân, cải thiện kỹ năng giao tiếp và phát triển nhóm tốt hơn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG