XÂY DỰNG THÓI QUEN KỶ LUẬT BẢN THÂN GIÚP BẠN TRỞ NÊN ƯU TÚ HƠN MỖI NGÀY
13 Tháng bảy, 2023 | FAM COMMODITY
264
Kỷ luật bản thân là một trong những yếu tố mấu chốt để dẫn đến thành công. Nhưng trong thực tế không phải ai cũng biết và sẵn sàng làm điều đó. Kỷ luật bản thân là một quá trình rèn luyện lâu dài và gian khổ, bắt buộc bạn phải đánh đổi và hy sinh. Làm sao để xây dựng được thói quen kỷ luật bản thân? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra lời đáp.
KỶ LUẬT BẢN THÂN LÀ GÌ?
Kỷ luật bản thân được hiểu là sức mạnh, là khả năng quản lý suy nghĩ, hành vi hoặc cảm xúc của một cá nhân khi họ phải đối mặt với cám dỗ khó khăn để có thể đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Kỷ luật bản thân sẽ giúp chúng ta làm được những gì mà não bộ cho đó là điều tốt, ngay cả khi cơ thể chống đối không muốn làm. Với kỷ luật bản thân, chúng ta có thể gạt bỏ sự thoải mái hoặc bốc đồng trước mắt để đạt được thành công lâu dài như ý muốn.
Tuy nhiên cần phải hiểu những hành động tự phát trong một thời điểm nhất định sẽ không được xem là kỷ luật bản thân. Trái lại đó là cả một quá trình rèn luyện lâu dài để có được thói quen này.
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM THƯỜNG THẤY CỦA NGƯỜI CÓ TÍNH KỶ LUẬT BẢN THÂN
Một người được xem là có kỷ luật bản thân tốt sẽ có những đặc điểm dưới đây:
- Họ có mục tiêu rất rõ ràng: Người kỷ luật bản thân sẽ biết mình muốn gì và phải làm gì để đạt được điều đó. Họ sống và phấn đấu để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
- Họ kiên trì hành động và sẽ không bao giờ nhượng bộ trước khó khăn: Khi cám dỗ bên ngoài ập đến, họ sẽ chiến đấu bằng mọi cách để chống lại chúng.
- Họ có khả năng tự kiểm soát chính mình: Kỷ luật bản thân có nghĩa là chúng ta đang đi ngược lại những ham muốn cơ bản vốn có. Do đó nếu không kiểm soát tốt, chúng ta sẽ rất dễ bỏ cuộc và chạy theo những nhu cầu của mình. Một người có tính kỷ luật bản thân cao là người biết vượt qua ham muốn.
- Họ ít khi bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài: Trong đầu họ chỉ tràn ngập sự quyết tâm và bám sát với mục tiêu hành động. Họ buộc mình tránh xa mọi ảnh hưởng tiêu cực có thể khiến họ mất tập trung.
- Họ có khả năng lặp đi lặp lại một công việc: Hầu hết những công việc cần đến kỷ luật đều sẽ cần lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian nhất định. Có thể kể đến như tập thể dục, học ngoại ngữ hay rèn luyện kỹ năng…
TẠI SAO CHÚNG TA CẦN PHẢI KỶ LUẬT BẢN THÂN?
Được mọi người tin tưởng và thừa nhận
Khi bạn đã rèn luyện được bản thân vào một khuôn khổ nhất định, bạn sẽ nhận được sự tin tưởng của mọi người. Chắc chắn là sẽ không một ai đặt hy vọng vào một người sống buông thả và thiếu kỷ luật.
Biết cách kiềm chế cảm xúc
Việc kiềm chế cảm xúc, những cơn nóng giận sẽ rất cần thiết trong cuộc sống, không chỉ giúp bạn giao tiếp tốt mà còn luôn tỉnh táo để xử lý công việc của mình.
Đến gần hơn với thành công
Bạn có thấy mẫu số chung của những người thành công là họ luôn hành động nhất quán và liên tục. Và kỷ luật là điều thiết yếu để bạn đạt tới đích đến này.
Loại bỏ được các thói quen xấu
Rõ ràng khi bạn đã rèn luyện được kỷ luật thì những tác động xấu bên ngoài sẽ dễ dàng mất đi. Những thói quen như ngủ nướng thức khuya, chơi game hay lười vận động, sự chần chừ trì hoãn… sẽ không còn chỗ đứng.
CÁCH KỶ LUẬT BẢN THÂN HIỆU QUẢ
Phải xác định mục tiêu cụ thể
Đây là điều đầu tiên bạn cần làm để rèn luyện kỷ luật. Thực sự là không ai sống và có động lực để làm việc khi không biết điều mình muốn là gì. Vì thế bạn phải có một mục tiêu rõ ràng cụ thể. Càng chi tiết càng giúp bạn dễ dàng đi đúng hướng.
Khi chọn mục tiêu bạn cần phải lưu ý: xây dựng một mục tiêu đủ lớn và có khả năng đạt được, phù hợp với chính mình. Mục tiêu đủ lớn là mục tiêu vượt qua năng lực của bạn ở hiện tại. Nó chính là động lực để bạn vươn lên và phát triển bản thân theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên không nên vẽ ra một mục tiêu quá xa vời mà là mục tiêu có tính khả thi trong thực tế.
Xây dựng một kế hoạch thực thi
Khi đã có một mục tiêu, bạn cần có một kế hoạch hành động thật chi tiết. Điều đó sẽ giúp bạn biết đâu là việc nên làm trước, đâu là việc nên làm sau. Lưu ý là một kế hoạch phải đi kèm với các mục tiêu nhỏ theo từng giai đoạn. Sau mỗi giai đoạn bạn cần nhìn nhận và đánh giá lại vấn đề đó.
Bắt tay ngay vào hành động
Ngưng ngay việc nói với bản thân những câu như: Nốt hôm nay thôi, nốt lần này và nốt lần khác nữa. Nếu còn trì hoãn bạn sẽ còn thất bại. Hãy hành động ngay khi bạn đang mong muốn một điều gì đó.
Xây dựng thói quen cho bản thân
Để rèn luyện được tính kỷ luật bạn phải liên tục và liên tục hành động, không được ngắt quãng giữa chừng. Nếu gặp bất cứ điều gì cản trở hãy tìm cách khắc phục ngay lập tức thay vì đổ lỗi.
Tránh xa những cám dỗ khiến bạn trở nên sao nhãng
Mỗi người sẽ có vô vàn những sở thích mong muốn. Và ngoài kia là vô vàn cám dỗ chực chờ cuốn bạn theo. Thay vì để chúng đến và chống lại bạn, hãy tự rời xa chúng càng sớm càng tốt. Chỉ nên tập trung vào công việc mà bạn đang làm. Tuy nhiên tránh tham lam ôm đồm quá nhiều việc một lúc.
Từng bước hoàn thành những mục tiêu nhỏ
Những khởi đầu đơn giản sẽ mang đến cho bạn động lực để hướng đến thành công lớn hơn. Hãy trở nên kiên nhẫn với bản thân và không nản lòng. Từng bước từng bước hoàn thành từng mục tiêu nhỏ sẽ khiến bạn vững vàng đối mặt với đích đến dài hạn hơn.
Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe
Đây là một quá trình dài lâu và cần có phương pháp thích hợp. Bạn không nên kỳ vọng sẽ đạt được mọi thứ nhanh chóng với một khoảng thời gian ngắn ngủi. Điều đó dễ khiến bạn vượt qua giới hạn bản thân, khó kiên trì trong thời gian sắp tới. Hãy cố gắng để cân đối hài hòa giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi nhé.
Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo một số cuốn sách như: Kỷ luật tự giác, thói quen của người thành công; Càng kỷ luật càng tự do; Kỷ luật bản thân, nền tảng cho thành công…
Trên đây là những thông tin liên quan đến kỷ luật bản thân mà FAM COMMODITY muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng bài viết này sẽ mang đến cho bạn những bí quyết hữu ích, giúp bạn học được cách xây dựng thói quen kỷ luật bản thân và là bước đệm để bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình nhé!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG