ĐỪNG "QUIET QUITTING", HÃY "QUIET THRIVING"
6 Tháng bảy, 2023 | FAM COMMODITY
250
“Quiet quitting” vẫn là một xu hướng trong thị trường lao động hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Tuy vậy, một chiến thuật mới mẻ đang dần được biết đến nhiều hơn và có tác dụng rất lớn để những người đi làm tìm thấy cảm hứng làm việc trong tình hình kinh tế khó khăn. Đó là “quiet thriving”.
Cùng tìm hiểu xem “quiet thriving” là gì trong chuỗi trào lưu “im lặng” của hiện tại nhé!
QUIET THRIVING LÀ GÌ?
“Quiet thriving” có nghĩa là phát triển trong thầm lặng. Cụm từ này được gọi tên lần đầu bởi nhà trị liệu tâm lý Lesley Alderman trong một bài báo cho The Washington Post, mô tả những nhân viên tự mình tạo nên sự thay đổi trong phong cách làm việc và môi trường làm việc, từ đó tạo tinh thần phấn chấn hơn và cảm thấy thỏa mãn với công việc của mình hơn.
“Khi chúng ta cảm giác không được nắm quyền kiểm soát, đặc biệt là trong công việc, chúng ta sẽ khó cảm thấy thoả mãn hay có tinh thần làm việc.”
Điều này được phản ánh khá rõ ràng trong thế giới công sở hiện đại khi mà tình trạng layoff vẫn thường diễn ra và việc nhảy việc quá thường xuyên đã để lại nhiều sự mệt mỏi, chán chường.
QUIET THRIVING NHƯ THẾ NÀO?
Chúng ta làm thế nào để có thể duy trì sự phát triển trong một bối cảnh công việc đang dần trở nên mất nhiệt và đình trệ? Hiểu theo một cách đơn giản thì, “quiet thriving” là tên gọi có chút “hào nhoáng” hơn của sự cố gắng thầm lặng và không ngừng nghỉ. Vậy để có thể “quiet thriving” khi đang gặp khó khăn trong công việc, bạn có thể tham khảo những cách sau.
Lấy lại quyền kiểm soát
Đầu tiên, bạn hãy nhìn lại xem điều gì ở công việc làm bạn khó chịu, điều gì tạo động lực và làm bạn vui. Từ những điều làm bạn không hài lòng ở trên, hãy tự hỏi và tự trả lời thật lòng rằng đó có phải điều bạn có thể kiểm soát được hay không.
Ví dụ:
- Công việc tốn nhiều thời gian trong ngày: Đây là điều bạn có thể kiểm soát được, bằng cách lập thời gian biểu hợp lý, phân chia công việc rõ ràng hơn.
- Sếp bạn soi mói, quá khó tính: Đây là điều bạn khó có thể kiểm soát hoặc thay đổi, nhưng bạn có thể chọn cách phản ứng hợp lý nhất thay vì thể hiện thái độ phản kháng quá rõ ràng.
Với những việc bạn làm bạn khó chịu nhưng bạn không thể thay đổi, bạn nên “tĩnh tâm” và bỏ qua chúng. Tiếp theo đó là chọn cách ứng phó khéo léo mà không ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển tương lai của bản thân.
Học cách xoa dịu tinh thần của mình
“Khi bị căng thẳng, chúng ta thường có xu hướng đánh mất khả năng giao tiếp đúng cách và làm ảnh hưởng mối quan hệ với người khác vì những lời nói, hành động bộc phát. Vì vậy, để thoát khỏi chế độ phản kháng này, chúng ta cần học cách xoa dịu tinh thần bằng cách nhận thức rõ hơn về cảm giác của chính mình.”
Khi bạn gặp những bức bối trong công việc, chắc chắn cảm xúc sẽ rất khó chịu. Nhưng thay vì nổi cáu và để áp lực nuốt chửng lấy mình, bạn hãy hành động chậm lại bằng cách tự hỏi bạn có đang thở sâu không, vai và hàm của bạn có thư giãn không? Hay bạn đang thở gấp và cảm giác như sắp nổ tung?
Dành ra một chút thời gian để nhận thức cảm giác của mình ở thời điểm hiện tại, sau đó hãy hít vào, thở ra thật sâu. Hãy để hệ thần kinh của bạn được nghỉ ngơi dù chỉ vài phút, từ đó bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn mà không cảm thấy quá ngộp.
Kết nối với những người xung quanh
Bạn thật sự có thể “quiet thriving” nơi công sở bằng mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp, sếp, những người “hợp cạ” với bạn tại nơi làm việc.
Nếu bạn chưa biết thì khi bạn ở bên những người làm bạn thấy thoải mái, nhịp thở và nhịp tim của bạn cũng sẽ đồng điệu với họ. Điều này có thể mang lại cho bạn nhiều năng lượng và động lực hơn trong ngày làm việc căng thẳng.
Vì vậy, kết nối với đồng nghiệp của bạn có nhiều lợi ích hơn là chỉ giúp bạn cảm thấy đỡ căng thẳng trong phút chốc.
Làm việc có hệ thống hơn
Làm quá ít hay làm OT quá nhiều đều không tốt. Vì vậy, bí quyết của “quiet thriving” là uốn nắn bạn làm việc có logic và hệ thống hơn.
Bạn có thể sử dụng phương pháp Pomodoro để hẹn giờ tập trung cao độ vào từng nhiệm vụ trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ 25 phút), sau đó dừng lại nghỉ và tiếp tục làm sau thời gian nghỉ giải lao.
Việc đặt ra được ưu tiên và làm việc bớt tuỳ hứng sẽ giúp bạn có hiệu quả cao hơn so với trước đây.
Chú ý giấc ngủ và tình trạng sức khỏe của bạn
Nếu bạn đã thấy nản lòng với công việc của mình, thì điều này sẽ không thể được cải thiện nếu bạn cứ lê lết đi làm với sự mệt mỏi và nôn nao. Không chỉ chán làm mà bạn sẽ còn mắc phải nhiều bệnh văn phòng nếu để sự kiệt quệ kéo dài.
Do đó bạn hãy chăm sóc sức khỏe của mình từ sâu bên trong. Ngủ đủ giấc tầm 7-9 tiếng, uống nước đủ nhiều và ăn những bữa ăn đủ chất, bạn sẽ thấy tinh thần được cải thiện hơn rất nhiều.
Chủ động hơn
Không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn một tinh thần thép để đối diện với thay đổi lớn. Khi có thay đổi trong công việc, như về vị trí, yêu cầu, hay bộ máy làm việc chung của một tổ chức, chúng ta thường sẽ bị hoang mang và lo lắng ở những bước đầu.
Thế nhưng nếu bạn thật sự muốn có những bước tiến lớn trong sự nghiệp, bạn hãy khoanh vùng như ở phía trên, xem điều gì có thể làm bạn nán lại với công việc, điều gì bạn có thể và không thể thay đổi. Từ đó, bạn sẽ biết được mình nên làm gì với tình hình công việc hiện tại.
KẾT
Những thứ được “lên xu hướng” không phải lúc nào cũng “xàm xí”, và “quiet thriving” chính là ví dụ cho điều này. “Quiet thriving” là cách giúp chúng ta đối phó với những khó khăn trong công việc và trở ngại về mặt tinh thần. Thế nhưng, kể cả bạn đang cố gắng trong thầm lặng, thì cũng đừng quên khẳng định và chứng tỏ bản thân một cách thật dõng dạc và rõ ràng, để những nỗ lực của bạn không vô hình trong mắt người khác nhé!
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG