5 MẸO ĐƠN GIẢN GIÚP NHÂN VIÊN MỚI HÒA NHẬP VỚI MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC NHANH CHÓNG
20 Tháng sáu, 2023 | FAM COMMODITY
204
Hòa hợp với đồng nghiệp, được cấp trên yêu quý là điều mà bất cứ nhân viên mới nào cũng đều mong muốn. Đôi khi vấn đề hòa nhập còn trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng của những bạn lần đầu trải nghiệm việc đi làm ở môi trường công sở. Vậy làm thế nào để nhân viên mới hòa nhập và trở thành một phần gắn kết của tập thể. Cùng tìm hiểu những mẹo đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả dưới đây nhé!
1 – ĂN TRƯA CÙNG ĐỒNG NGHIỆP CHÍNH LÀ CÁCH GIÚP KẾT NỐI NHÂN VIÊN MỚI HÒA NHẬP
Bữa ăn trưa là khoảng thời gian lý tưởng để kết thân hay mở rộng các mối quan hệ dù là với đồng nghiệp hay với cấp trên. Bởi trong khoảng thời gian này tâm lý mọi người sẽ luôn cởi mở hơn, không quá mệt mỏi hay vội vàng cho các công việc tiếp theo như sau buổi tan làm. Bên cạnh đó, thời gian dùng bữa trưa cùng đồng nghiệp cũng là lúc bạn có thể tìm hiểu thêm về văn hóa công ty và những luật lệ cần lưu ý. Nếu khéo léo cởi mở, bạn có thể tranh thủ để biết thêm về tính cách của những đồng nghiệp khác hay của sếp, và cách cư xử thế nào cho phù hợp với họ.
Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn trọng lời nói và cử chỉ trong lúc này. Bởi nếu bạn hỏi quá nhiều thông tin và đi quá sâu vào chi tiết sẽ dễ làm người đối diện hiểu nhầm bạn đang tò mò, khai thác chuyện cá nhân của người khác. Thế nên hãy nhớ giữ chủ đề chính của cuộc trò chuyện xoay quanh công ty cũng như môi trường làm việc thôi nhé.
2 – HẠN CHẾ DÙNG ĐIỆN THOẠI TRONG GIỜ LÀM VIỆC
Điều này có thể có trong quy định của một số công ty, trừ khi đặc thù công việc đòi hỏi bạn phải liên lạc và giao tiếp với khách hàng, đối tác qua điện thoại, còn lại hãy cố gắng để điện thoại xa khỏi tầm tay và để chế độ im lặng. Điều này không những giúp bạn tập trung hơn trong lúc làm việc mà còn giúp bạn tạo được thiện cảm tốt trong mắt sếp và các đồng nghiệp. Chắc chắn rằng không một người sếp hay đồng nghiệp nào cảm thấy thoải mái với một nhân viên luôn phân tâm và hay để điện thoại làm ồn trong lúc làm việc, đặc biệt là một nhân viên mới.
3 – CHÚ Ý LẮNG NGHE
Đa số mọi người có suy nghĩ rằng, khi họ nói chuyện thường xuyên và liên tục sẽ tạo cho người nghe cảm giác họ là người thân thiện, hòa đồng. Tuy nhiên, cách để thu hẹp khoảng cách hiệu quả nhất trong giao tiếp lại chính là khả năng lắng nghe. Điều này không có nghĩa là bạn chỉ im lặng lắng nghe và để đồng nghiệp của mình độc thoại. Lắng nghe khác với việc nghe hời hợt không có chủ đích ở khả năng tập trung vào câu chuyện và thấu hiểu điều người đối diện đang truyền đạt đến bạn.
Khi một người thực sự lắng nghe và đặt tâm trí của mình vào cuộc hội thoại sẽ có được những phản hồi phù hợp một cách tích cực và tự nhiên hơn. Điều này cũng tạo cho người nói cảm giác được tôn trọng và tin tưởng ở bạn hơn.
4 – TÍCH CỰC THAM DỰ CÁC CUỘC HỌP
Điều này quả thực không dễ đối với một nhân viên mới, một phần vì chưa được mời tham dự, một phần vì kể cả khi được phép tham dự thì nhân viên mới cũng dễ rơi vào cảm giác nhàm chán, ngần ngại do không nắm bắt được các thông tin. Nhưng đừng vì thế mà bỏ lỡ hay lơ là những cuộc họp. Hãy kiên trì lắng nghe, ghi chép, chú ý quan sát vai trò của từng nhân sự trong cuộc họp, các chiến lược hay mục tiêu mà công, đội nhóm của bạn hướng tới.
Sau một thời gian, bạn sẽ nhận ra các cuộc họp chính là nơi bạn thu thập được nhiều thông tin để hòa vào guồng quay chung của doanh nghiệp nhất, các cuộc họp cũng là nơi mà bạn có thể nắm bắt được các mối quan hệ giữa các phòng ban, cá nhân và nhanh chóng theo kịp mọi người.
5 – TUÂN THỦ NỘI QUY CÔNG TY
Mỗi công ty đều có những nội quy dành cho nhân viên và các quy trình xử lý công việc riêng. Thông thường nhân viên mới sẽ được xem qua trước các quy định này vào những ngày đầu tiếp nhận công việc, với mong muốn nhân viên mới có thể tuân thủ và có thái độ làm việc phù hợp với văn hóa công ty. Thế nên đừng bỏ qua hay xem thường những luật lệ này vì nếu đi ngược lại với văn hóa chung của công ty bạn sẽ bị mất điểm trong mắt sếp và đồng nghiệp. Điều này không chỉ làm cho bạn khó hòa nhập hơn với mọi người xung quanh mà còn tác động đến cả sự đánh giá của cấp trên lên quá trình làm việc của bạn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
⇒ NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH, NHÂN SỰ