0911 812 050
Tầng 7, Saigon Paragon Building, Số 3 Nguyễn Lương Bằng, P. Tân Phú, Q.7, HCM
8:30 - 18:30 | Thứ 2 - Thứ 6

LATERAL THINKING – TƯ DUY ĐA CHIỀU GIÚP BẠN THOÁT KHỎI LỐI MÒN SUY NGHĨ

Trang Chủ

/

LATERAL THINKING – TƯ DUY ĐA CHIỀU GIÚP BẠN THOÁT KHỎI LỐI MÒN SUY NGHĨ

LATERAL THINKING - TƯ DUY ĐA CHIỀU GIÚP BẠN THOÁT KHỎI LỐI MÒN SUY NGHĨ

24 Tháng tám, 2023 | FAM COMMODITY

348

Có một sự thật rằng khi chúng ta cảm thấy thoải mái với một thói quen nào đó, bạn sẽ quên đi cách làm mới chúng. Chẳng hạn như bạn đã giao tiếp với khách hàng theo cùng một kiểu trong nhiều năm hay sử dụng cùng một mẫu cuộc họp cho tất cả các nhóm. Không thể phủ nhận tính hiệu quả của những quy trình đã được áp dụng rất nhiều lần. Tuy nhiên, mặt trái của thói quen đó chính là những ý tưởng mới không được đâm chồi nảy mầm.

 

Điều chỉnh lối suy nghĩ khác với bình thường là một cách hay để bắt đầu quá trình tư duy, giải quyết vấn đề cởi mở hơn và thúc đẩy sự đổi mới. Đây là những gì mà Lateral Thinking hướng đến. Vậy Lateral Thinking là gì? Làm thế nào để phát triển lối tư duy “out of the box”? Hãy cùng khám phá thông qua bài viết dưới đây nhé!

 

LATERAL THINKING LÀ GÌ?

 

Lateral thinking là tư duy đột phá hay tư duy đa chiều, đôi khi còn được gọi là tư duy theo chiều ngang, tư duy phân nhánh. Lateral thinking mô tả quá trình suy nghĩ sáng tạo, khác với lối suy nghĩ cũ để giải quyết vấn đề. Thay vì suy luận logic (hay còn gọi là tư duy theo chiều dọc) để đưa ra những giải pháp trực tiếp, lateral thinking sẽ tiếp cận vấn đề theo nhiều cách khác nhau, phá vỡ các kiểu tư duy truyền thống để tạo ra càng nhiều ý tưởng sáng tạo càng tốt.

 

Lateral thinking là giải pháp để thoát ra khỏi kiểu tư duy quen thuộc và trở nên sáng tạo hơn.

 

TƯ DUY THEO CHIỀU DỌC HAY TƯ DUY THEO CHIỀU NGANG TỐT HƠN?

 

Nhà tâm lý học Edward de Bono đã phát triển khái niệm lateral thinking trong cuốn sách “The Use of Lateral Thinking” vào năm 1967. Ông giải thích rằng bộ não con người đã được huấn luyện để suy nghĩ “inside the box” và tìm kiếm các giải pháp điển hình, có thể dự đoán được, ngay cả khi đó không phải là những lựa chọn tốt nhất. Những gì bộ não con người thực hiện một cách tự nhiên đó là suy nghĩ theo chiều dọc, dựa vào lý trí và thu thập tất cả dữ liệu có sẵn, sau đó thực hiện tuần tự từ bước 1 sang các bước tiếp theo cho đến khi đạt được kết luận hợp lý.

 

Còn lateral thinking lại kết hợp trí tưởng tượng và trực giác. Bạn sẽ cố gắng tạo ra các ý tưởng, kịch bản dựa vào những thông tin đã có. Quá trình này coi trọng các ý tưởng hơn và không tập trung vào kết quả.

 

Mặc dù có sự khác biệt về bản chất và cách tiếp cận, nhưng tư duy theo chiều dọc và tư duy theo chiều ngang hoàn toàn có thể kết hợp, bổ sung cho nhau để biến ý tưởng trở nên tốt nhất. Lateral thinking có thể kích thích sáng tạo trong lối tư duy logic. Và tư duy logic sẽ tinh chỉnh, “uốn nắn” các ý tưởng của lateral thinking.

 

Sự khác biệt giữa hai loại tư duy.

 

TẦM QUAN TRỌNG CỦA LATERAL THINKING

 

Phát triển và thực hành tư duy đa chiều sẽ làm tăng khả năng thích ứng, đổi mới cũng như sáng tạo. Với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo cùng nhu cầu thay đổi nhân lực, các sản phẩm và quy trình có thể trở nên lỗi thời nhanh chóng. Do đó, một lối tư duy mới là điều cần thiết để tạo ra nhiều ý tưởng hơn nhằm khắc phục các vấn đề tiềm ẩn.

 

Theo một cuộc khảo sát của McKinsey đối với 200 tổ chức trong một số ngành nghề, 90% giám đốc điều hành tin rằng cách họ kinh doanh sẽ có sự thay đổi từ năm 2020 đến năm 2025. Tuy nhiên, chỉ 21% sẵn sàng tạo ra cũng như nắm bắt các cơ hội tăng trưởng mới.

 

Lateral thinking mang lại một luồng gió mới trong việc hỗ trợ tăng trưởng, đổi mới bằng cách giúp mỗi người hình dung ra những điều trước đây chưa hề nghĩ tới và tạo sự khác biệt với đối thủ. Với lối tiếp cận mới, khi đối mặt với những thử thách, khó khăn, doanh nghiệp có nhiều khả năng giữ vững đường cong tăng trưởng, thậm chí có sự đột phá để đưa đường cong đi lên.

 

Lateral thinking giúp doanh nghiệp trụ vững và tăng trưởng.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN LATERAL THINKING?

 

Lateral thinking là khả năng thiên bẩm ở một số cá nhân. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể học và phát triển kỹ năng này để ứng dụng vào thực tế. Dưới đây là một số cách giúp bạn cải thiện lateral thinking.

 

 1 – Hiểu rõ cách tư duy của bản thân

 

Bước đầu tiên trong việc cải thiện tư duy đa chiều là nhận thức được cách não bộ xử lý thông tin. Trước khi cố gắng giải quyết một vấn đề, bạn cần phải nhận ra xu hướng suy nghĩ theo thói quen của bản thân. Để làm được điều này, bạn có thể sử dụng bản đồ tư duy – là sơ đồ trực quan để truyền đạt ý tưởng và sắp xếp suy nghĩ. Quá trình thể hiện các ý tưởng, suy nghĩ qua bản đồ tư duy sẽ điều chỉnh cách suy nghĩ và thường dẫn đến những ý tưởng bất ngờ, vượt ra khỏi những lí luận thông thường của bạn.

 

Con người thường có xu hướng bị mắc kẹt trong những suy nghĩ kiểu mẫu.

 

2 – Hãy hỏi tại sao với mọi thứ

 

Thông thường bạn sẽ chấp nhận các quy trình hiệu quả trong công việc vì nếu không xảy ra vấn đề thì tại sao phải “đè đầu” để thay đổi? Tuy nhiên, hãy tự đặt câu hỏi tại sao đồng thời luôn quan niệm rằng sẽ có những giải pháp tốt hơn cho mọi việc, ngay khi tất cả đều đang tốt đẹp là cách tiếp cận của tư duy đa chiều để thách thức các ý tưởng và phá vỡ khuôn mẫu nhận thức.

 

Để sử dụng kỹ thuật này, bạn có thể nghĩ ra những cách mới để làm cho hệ thống trở nên tốt hơn. Chẳng hạn, hãy thử đưa ra những thay đổi đối với phương pháp quảng cáo khi chúng vẫn đang vận hành ổn. Hoặc tìm cách “mổ xẻ” quy trình, kiểm tra từng yếu tố trong hệ thống. Rất có thể quá trình này sẽ giúp bạn có ý tưởng mới và tìm ra những rào cản mà bạn đã không hề biết đến sự tồn tại của chúng.

 

Chủ động quan sát và đặt câu hỏi về công việc là cách để thúc đẩy quá trình tư duy đa chiều.

 

3 – Tìm kiếm các giải pháp thay thế

 

Khi Edward de Bono đề cập đến khái niệm lateral thinking, ông gợi ý rằng những người giải quyết vấn đề luôn cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế. Ngay cả khi vấn đề của bạn có một giải pháp sẵn có hiển nhiên, hãy gạt bỏ nó sang một bên và thử suy nghĩ đến các giải pháp thay thế khác. Lối tư duy này giúp bạn có cơ hội đánh giá lại vấn đề từ mọi góc độ và tìm được giải pháp tối ưu nhất.

 

4 – Tìm kiếm cảm hứng từ bên ngoài

 

Theo thói quen, bạn sẽ loại bỏ các tác nhân bên ngoài để hoàn toàn tập trung vào vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, điểm yếu của hành động này là có thể hạn chế khả năng suy nghĩ, sáng tạo của bạn. Thay vào đó, bạn hãy thử tìm cảm hứng từ bên ngoài như nghe podcast, đi dạo, nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè…Dù không phải cảm hứng nào cũng mang lại hiệu quả nhưng cố gắng cũng là một phần của đổi mới.

 

5 – Liên kết ngẫu nhiên

 

Khi bạn cảm thấy bế tắc trong lối suy nghĩ, hãy đặt những câu hỏi hay tìm kiếm những điều không liên quan đến vấn đề để kích thích tư duy theo chiều hướng mới. Ví dụ, bạn có thể hỏi “Điều duy nhất mình không thể làm trong tình huống này là gì?”. Mặc dù câu hỏi này dường như không liên quan trong lối suy nghĩ thông thường nhưng lại tạo ra ý tưởng mới trong lối tư duy đa chiều. Ngoài ra, cách này sẽ giúp tâm trí bạn khám phá ra mối liên kết giữa các yếu tố tưởng chừng như không có mối quan hệ nào.

 

Quá trình tạo kết nối ngẫu nhiên giữa các yếu tố giúp bạn đưa ra những ý tưởng vượt trội.

 

6 – Lateral thinking giúp rèn luyện khả năng tư duy ngược

 

Kỹ thuật này đòi hỏi phải có những giả thuyết được đưa ra sẵn, chẳng hạn như đảo ngược bất kỳ mối quan hệ nào giữa các yếu tố của vấn đề. Tư duy ngược có thể bao gồm việc từ chối các đặc điểm được đưa ra trước đó, chia nhỏ các mẫu lớn thành nhiều mẫu nhỏ hoặc chuyển một kết nối có sẵn thành phép loại trừ rồi quay lại để xem điều gì đã thay đổi. Bằng cách tùy ý chuyển hướng các giả thuyết của vấn đề, bạn sẽ tạo ra những ý tưởng mới để xây dựng giải pháp tốt nhất.

 

7 – Sắp xếp lại ý tưởng

 

Trong quá trình suy nghĩ, bạn có thể sẽ nảy ra những ý tưởng hay, độc đáo nhưng lại có vé quá phức tạp và khó thực hiện. Tư duy đa chiều sẽ khuyến khích bạn tiếp nhận những ý tưởng này nghiêm túc hơn thay vì bác bỏ ngay lập tức. Sau đó, hãy dành thời gian để thảo luận về chúng với các thành viên khác để sắp xếp lại thông tin, chẳng hạn như đánh giá tính khả thi, những mặt hạn chế hay rào cản tài chính và nguồn nhân lực…Từ đó bạn sẽ có một góc nhìn tổng quát và đa chiều hơn để đưa ra quyết định cuối cùng là thực thi hay từ bỏ và chọn ý tưởng khác.

 

KẾT

 

Lateral thinking không phải là một khái niệm dễ hiểu và dễ áp dụng. Tuy nhiên cái gì cũng có giá của nó, tư duy đa chiều sẽ giúp bạn sáng tạo, đổi mới và giải quyết vấn đề tốt hơn. Với bài viết trên, hy vọng rằng bạn sẽ có những thông tin bổ ích để rèn luyện và phát triển tư duy đa chiều, biến nó trở thành một “vũ khí sắc bén” trang bị cho bản thân trên con đường phát triển sự nghiệp.

 


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:  Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY

⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG

⇒ NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH, NHÂN SỰ

⇒ CONTENT MARKETING

 

 

Các bài viết khác