3 BƯỚC GIÚP BẠN BIẾN SUY NGHĨ TIÊU CỰC THÀNH ĐỘNG LỰC
19 Tháng Mười, 2023 | FAM COMMODITY
291
Bạn có từng cảm thấy như chết đuối trong đại dương toàn suy nghĩ tiêu cực, rồi tự vấn làm sao để thoát khỏi con sóng của sự nghi ngờ và phán xét bản thân không ngừng nghỉ?
Bạn không cô đơn đâu. Suy nghĩ tiêu cực là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng chính chúng sẽ trở thành “trợ thủ” đắc lực cho bạn trên hành trình phát triển bản thân. Thông qua bài viết được chuyển ngữ từ “3 Steps to Stop Negative Thinking” của tác giả Mark Mansion, hãy cùng FAM COMMODITY đi sâu vào 3 bước giúp bạn quản lý những suy nghĩ tiêu cực, chấp nhận thất bại và sau cùng là đạt được nhiều mục tiêu hơn nhé!
BƯỚC 1: CHẤP NHẬN RẰNG THẤT BẠI LÀ MỘT PHẦN CỦA CUỘC SỐNG
Một điều quan trọng ta có thể làm khi đối phó với suy nghĩ tiêu cực là chấp nhận rằng thất bại là một phần tự nhiên và tất yếu của cuộc sống. Chúng ta thường quên rằng thất bại là một khái niệm ta tự hình thành trong tâm trí. Ta đặt ra những dấu mốc tùy tiện mà chẳng may nếu như không đạt được chúng, ta sẽ cảm thấy như kẻ thua cuộc.
Thử lấy ví dụ về mục tiêu tài chính của bạn. Nếu bạn đặt ra mục tiêu kiếm được 100 triệu để có thể hạnh phúc, nhưng khi bạn chỉ kiếm được/tiết kiệm được 90 triệu, bạn liền cho rằng đó là điều thất bại. Nhưng nếu ngay từ đầu mục tiêu của bạn chỉ có 90 triệu, thì đột nhiên bạn lại thành công. Đây là ví dụ để bạn thấy rằng những mục tiêu ta tự đặt ra cho bản thân thường tùy tiện và dễ thay đổi.
Vì vậy, bước đầu tiên giúp bạn quản lý những suy nghĩ tiêu cực là thả lỏng những viễn cảnh và tiêu chuẩn đó một chút. Thực tế không có việc gì trên đời diễn ra theo cách tốt hay xấu đến mức như chúng ta mường tượng trước đó. Điều này xảy ra bởi tâm trí bạn có xu hướng khuếch đại những cảm xúc hay kỳ vọng nhất định.
Bạn sẽ có những thời điểm tồi tệ không như ý mình muốn, và chúng ta đều như vậy. Nhớ được điều này là bạn có thể nhìn nhận mọi thứ theo khía cạnh tích cực hơn rồi.
BƯỚC 2: THỰC HÀNH THA THỨ CHO BẢN THÂN
Học cách tha thứ cho bản thân sau những sai lầm và thất bại là yếu tố cần thiết để quản lý suy nghĩ tiêu cực. Sự khác biệt giữa người bị dằn vặt bởi suy nghĩ tiêu cực và những người có thể vững vàng bước tiếp thường nằm ở khả năng buông bỏ những phán xét về bản thân.
Để bắt đầu tha thứ cho bản thân, bạn cần tách hành động ra khỏi ý định. Khi con người ta phạm lỗi, phần nhiều khả năng là họ thực sự muốn làm điều gì đó tốt đẹp. Vì vậy, hãy tập trung vào ý định này và cố gắng hiểu ra động cơ đằng sau nó. Một khi có thể đồng cảm với động cơ hành động của chính mình, bạn sẽ thấy dễ dàng tha thứ cho bản thân hơn.
Tiếp theo, rút ra một bài học hay kinh nghiệm nào đó từ thất bại. Thử tự vấn bản thân xem bạn có thể học được gì từ nó, làm sao để làm tốt hơn vào lần sau, và cần làm gì để ngăn bản thân tái phạm sai lầm. Bằng cách rút ra giá trị từ chính thất bại của mình, bạn sẽ nhìn nhận nó là cơ hội để phát triển bản thân thay vì là lý do để tự dằn vặt chính mình.
BƯỚC 3: ĐỪNG PHÁN XÉT SUY NGHĨ TIÊU CỰC BẰNG MỘT SUY NGHĨ TIÊU CỰC HƠN
Đây là một trong những cạm bẫy tâm lý nguy hiểm nhất mà nhiều người mắc phải và nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn rất khó phá vỡ. Chẳng hạn bạn cảm thấy bất an vì sợ cảm giác bất an xuất hiện, hay lo lắng những suy nghĩ lo lắng sẽ ập đến.
Nhưng bí quyết để phá vỡ vòng luẩn quẩn này lại khá đơn giản: hãy ngừng phán xét suy nghĩ tiêu cực này bằng một suy nghĩ tiêu cực khác. Bạn cần hiểu rằng việc cảm thấy lo lắng, bất an hay có những cảm xúc tiêu cực là hết sức bình thường. Việc chấp nhận những suy nghĩ và cảm xúc này như một phần của trải nghiệm “làm người” sẽ giúp bạn dần thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực.
KẾT
Nỗi ám ảnh với tư duy tích cực trong văn hóa đại chúng đã tạo ra những kỳ vọng phi thực tế về thành công và hạnh phúc. Vì vậy, bạn cần làm quen với những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống, và hiểu rằng chúng là một phần tất yếu trong quá trình phát triển bản thân. Việc chấp nhận những điều tiêu cực giúp ta rút ra những bài học và kinh nghiệm tích cực đi kèm với chúng.
Đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận rằng, suy nghĩ tiêu cực không chỉ là điều khó tránh, mà còn khá hữu ích trong việc giúp ta trưởng thành. Bao dung hơn với thất bại, tha thứ cho bản thân và không dùng suy nghĩ tiêu cực để phán xét suy nghĩ tiêu cực. Bằng cách thực hành những bước trên, chúng ta có thể “chèo lái” cuộc đời một cách dễ dàng và ít đau khổ hơn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cơ hội nghề nghiệp tại FAM COMMODITY
⇒ CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN, CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG